Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Duy Thanh (1931-2019)












Duy Thanh

 Nguyễn Duy Thanh
(1931 - 2019)
Hưởng thọ 88 tuổi

Họa sĩ, nhà văn, nhà thơ







 Học vẽ năm 1952 với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung.

Đã triển lãm : năm 1954 tại nhà hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, năm 1956 tại Phòng Triển Lãm Đô Thành và Pháp Văn Đồng Minh Hội, năm 1958 và năm 1961 cũng tại Pháp Văn Đồng Minh Hội .

Đã dự nhiều cuộc triển lãm chung với các họa sĩ khác ở Thủ đô.













Tôi chĩ là người đi qua khoảng không



Lần đầu tiên có người lấy dấu tay kỷ niệm
5/2017



"Tôi không ở trong phái nào cả. Nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với hội họa mình đeo đuổi, là đứng ì một chỗ, tức là không còn băn khoăn nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa…"

Bách Khoa số 148, ngày 1-3-1963, 












Duy Thanh (ảnh Vương Ngọc Minh)









Truyện ngắn




Giấc Ngủ 
Duy Thanh

À mày lại còn chối hả? im miệng hả? Thằng nào nó ngủ với mày thì phải khai ra, cái bụng mày nó chương phềnh ra thế kia thì còn giấu vào đâu hở con mụ ranh. Mày định làm xấu mặt cả làng này hay sao? Nói ngay để tao bỏ tù nó. Phép tắc luân lý ở đây đâu có đốn mạt như thế bao giờ? Mày làm bêu mặt chúng tao. Rồi mai đây báo chí đăng rầm cái tin khốn nạn này thì thể thống làng này còn ra cái gì hở… hở?

Y hồng hộc chỉ vào mặt tôi mà mắng như tát nước. Phải, tôi chửa hoang. Con mụ Tư thọt này chửa hoang đây, đứa nào àm gì thì làm, tôi hét to trong bụng tôi như vậy. Nếu tôi mà đứng được dậy thì thách y chửi tôi đấy. Tôi sẽ chồm lên mà xé tan cái mặt y ra, chứ tôi sợ gì cái mặt thịt ngồng ngộng bộ râu cá trê đáng ghét.

Y quay ra như phân vua với mọi người: Tiên nhân nó chứ, cái mặt nó cứ lầm lì như thế kia thì làm sao mà khảo được. Cái thá mày thì gọi là cho lên máy chém. Y lại xổ vào tôi mà thét: Gan, gan hở? ông thời bóp chết như ngoé. Tôi giơ tay chùi những tia nước bọt phì cả vào mặt. Nơi tay áo vải nâu đã bạc phếch, sờm ra và có mùi khăn khẳn. Ánh nắng chói làm tôi bật hắt hơi. Tức thì y lùi lại dang tay tát tôi đánh bốp kèm theo một câu chửi thật bẩn. Mấy mụ đàn bà ở bên ngoài cười rộ vì thấy tôi hực lên rồi vật đầu vào vách. Nhưng họ lại im ngay. Một không khí lo ngại trùm trong căn nhà họp của xóm. Trong đám đông có người nói to:
- Thôi đi ông Xã, nó đã không khai thì khảo mãi cũng vô ích, nhất là chị ta cũng đương bụng mang dạ chửa.
Một giọng khác phản đối:
- Sao lại không, phải bắt nó khai chứ còn thế nào. Cứ đánh bỏ mẹ thì thế nào nó cũng phải nói. Thế mà mấy tháng nay cứ tưởng chị chàng bị báng hay bệnh gì. Ðến bây giờ nó chềnh ềnh như cái trống mới thấy nhé.

Lão Xã trưởng được thể quay lại doạ tôi:
- Mày mà không khai thì còn là khổ, con ạ.
Giọng y ngọt hơn: Ờ thì cứ nói xem thằng nào, rồi tao bắt nó phải lấy mày. Chứ không biết ai thì cứ gọi là tức hộc máu.

Y hoa tay một vòng rồi nói với đám người xung quanh:
- Tôi nói thế có phải không các ông các bà?
- Kể cũng tức thật đấy, nhưng chị ta cứ không chịu nói là ai thì làm thế nào. Hay là cứ để cho chị ấy đẻ đi đã rồi trông đứa bé nó giống ai thì nó sờ sờ ra chứ còn gì nữa.
Một giọng nữa tiếp:
- Ấy chết không được, sợ cứ trông rồi đoán tầm bậy thì lại khốn khổ nhiều anh.
Mấy cô gái làng thấy câu nói lý thú bấm nhau cười cung cúc.
Tôi trông thấy chúng nó mà ghét tệ. Chúng nó đẹp, chúng nó xinh, chúng nó có chồng con, có nhân tình nhân ngãi. Còn tôi thì sống lết lê, chẳng ai thèm để ý. Hai chân tôi nó quặt đi nhỏ bằng cái ống sậy. Tôi đi bằng tay lê la như một con chó. Con chó còn sướng hơn bởi nó có bốn chân nó chạy. Còn tôi từ xó nhà ra đầu ngõ, rồi từ ngõ vào đến vườn là hết. Từ xưa chưa hề có ai để ý đến tôi cả, họ nhìn tôi như một con vật. Với ai tôi cũng phải ngửa đầu nhìn lên. Cho đến bây giờ tôi có chửa họ mới vụt nhận ra tôi cũng là người như họ. Tôi có chửa. Con mụ Tư thọt có chửa thì còn trời đất nào. Với ai? Có lẽ họ muốn biết để thoả tính tò mò, tôi còn lạ gì. Lão Xã trưởng nó hứa hẹn với tôi rằng khai ra thì gả kẻ đó cho tôi, lúc thì y lại bảo khai ra để y bỏ tù người ấy. Dễ tôi mới đẻ hôm qua chắc. Năm nay tôi ba mươi hai tuổi đầu và chưa hề nằm ngủ với người đàn ông nào trong đời, trừ một lần cách đây năm tháng. Cái bào thai trong bụng này là của anh ta. Nhưng đừng có hòng tôi nói ra… Tôi giữ cái kỷ niệm, cái hình ảnh ấy cho mình tôi. Tôi cho là đẹp, tôi ôm ấp cái hình ảnh ấy mặc cho họ rủa sả. Tôi chắc anh ta còn hối hận về phút cuồng dâm bữa ấy. Với tôi thì không. Tôi yêu. Tôi chắc anh ta sẽ tự tử nếu tôi khai tên anh ta ra. Mà sao tôi lại nói? Tôi thì mong lấy gì ai? Tôi lê đi dưới đất như một con chó. Tôi với cái bướu trên lưng. Tôi với hình người chẳng ra người. Ai cười thì cười. Ðứa trẻ nào trông thấy tôi cũng chế nhạo. Lũ người lớn thì coi tôi như không có trên thế gian này. Mỗi lần nhìn tôi sao họ có vẻ hợm hĩnh thế. Tôi thù họ. Cho đến ngày nay thì tôi trả được cái thù này. Tôi có chửa với một người của họ. Một gã đàn ông. Tôi sướng khoái với cảm giác thấy họ bị dằn vặt đau khổ. Thì ra lần đầu tôi được chú ý tới. Tôi là cái mốc cho họ bàn tán, ghen ghét. Lần đầu tiên họ nhận thấy có tôi trên cõi đời.

Mẹ tôi mang một nắm lạt tre để xuống bên cạnh tôi. Tôi vẫn tiếp tục đan thành hình một cái giỏ. Thấy người thở dài, tôi chỉ bảo:
- Bầm khỏi phải lo, chẳng ai làm gì được mẹ con ta cả. Còn người ấy thì nhất định con không nói ra đâu. Anh ta chẳng có tội gì hết. Con cũng không, con sẽ đẻ. Và sẽ nuôi đứa trẻ này.
Mẹ tôi nắm lấy tay tôi, tôi nhìn xuống bàn tay gầy guộc đầy gân xám to bằng con giun. Bàn tay tôi cũng sần lên như một bàn chân. Chưa ai ở làng này xấu bằng tôi. Thế mà tôi sắp có con với anh ta, với đứa con giai có vợ sắp cưới là cái Gái ở xóm dưới. Con bé vào loại nhất nhì trong làng. Tiếng mẹ tôi run run khàn khàn trong cái tĩnh mịch của chiều xuống. Tiếng lạt tre cọ vào nhau dưới ngón tay tôi đưa đẩy.
- Buổi chiều ông Xã có bảo với bầm rằng phải về dỗ ngon dỗ ngọt cho mày nói tên người ấy ra, không thì ông ấy đuổi ra khỏi làng. Bây giờ bầm già rồi, chỉ muốn yên phận. Vậy tùy mày xử trí thế nào thì xử. Đời bầm đã khổ nhiều từ ngày lấy bố mày.

Mẹ tôi không nói hết câu, cái hình ảnh cuối cùng là người bố chìm và tan trong một tiếng nấc. Buổi chiều lạnh và mênh mông như một cánh rừng: chơ vơ, lạc hướng. Tôi hình dung lại hình dáng người cha từ thuở nào xa lắm, cái hơi nồng của men rượu, những câu rủa tục tằn lúc nào cũng đeo trên đôi môi dày thâm sịt. Tôi biết mẹ tôi khổ nhiều, kể cả vì tôi. Không hiểu sao những kiếp người như chúng tôi lại cứ có trên cuộc đời. Đã thế lại còn bám vào cái sống không chịu buông. Ngày bố tôi chết vì say rượu trượt chân ngã xuống ao thì cả làng như bớt một gánh nặng. Chính tôi cũng không cảm thấy thương tiếc. Chúng tôi vẫn sống cái kiếp sống của con người vật, dài và buồn nản.

Tôi sờ tay lên gò má còn hằn ngón tay của lão xã, chưa bao giờ tôi thù y đến như thế. Y lại còn muốn làm khổ mẹ tôi. Với tôi như thế chưa đủ hay sao? Đã thế tôi sẽ làm cho y điên đảo. Tôi sẽ khai quách cho cháu y rồi muốn ra sao thì ra. Tôi nhớ lại cái gã đàn ông nặng nề và chậm chạp thỉnh thoảng qua ngõ nhà tôi. Đã có lần tôi ước ao ngủ với hắn và được hít cái mùi hoi hoi của chính người hắn đang vương trong không khí.

Cúi đầu xuống, tôi lại nghĩ đến cái thằng người con ngoi ngóp trong ấy. Nó đương ngọ nguậy, nhè nhẹ nhè nhẹ, nhưng nhiều khi nó cũng làm tôi đau nghiến. Tôi kéo bàn tay mẹ tôi để lên bụng:
- Bầm sắp có cháu bế.
Mẹ tôi yên lặng một lúc rồi bỗng nhiên nói:
- Mày đã định đặt tên nó là gì chưa?
- Chưa, bầm ạ.
Ba chúng tôi cùng ngồi yên, cùng nghĩ tới nhau, chưa bao giờ tôi thấy yêu mẹ tôi, yêu con tôi và yêu anh ta đến thế. tại sao tôi không đối phó để giữ những gì tôi ấp ủ?
- Bầm ạ, tôi thấy nóng mặt vì sắp nói dối mẹ tôi. Anh Ba đấy.
- Ba nào? Tiếng mẹ tôi lo âu.
- Ba, cháu ông Xã ấy mà.

Mẹ tôi chậm rãi đứng dậy chép miệng thở dài. Tôi biết người lo ngại viên xã trưởng. Tôi thì chẳng sợ gì. Y là một thứ vũ phu, y khảo tôi vì tò mò mà cũng để sĩ diện với làng xóm là mình có uy quyền. Đời nào y dám đuổi mẹ con tôi ra khỏi làng này.
- Thôi tao đi nằm đã, rồi cũng liệu mà đóng cửa Tư ạ, xẩm tối rồi.
Mẹ tôi quờ quạng tìm chiếc đèn dầu mắc ở xó nhà, châm lửa. Ánh đỏ chập chờn hoa lên trong chạng vạng của bóng tối vừa xuống. Tôi nói:
- Để con cố đan nốt chiếc giỏ này đã bầm ạ, gần xong rồi.
- Liệu mà nghỉ sớm cho khoẻ.
Mảnh trăng thượng tuần nhô lên sau đám mây dầy, lạnh lùng, đơn độc.
Tôi nhớ lại cái đêm tôi gặp anh ta, trăng cũng như thế này nhưng vào khuya hơn chút nữa. Lần đầu tôi biết một người đàn ông. Từ đó đêm nào tôi cũng nghĩ đến anh ta, cái hình ảnh ấy đến với tôi như một ám ảnh vĩnh viễn. Tôi mê cái ám ảnh đó mỗi buổi chiều tắt đi.

- Đừng anh, đừng ở đây.
Tiếng người con gái van vỉ. Giọng người đàn ông như lạc đi:
- Không, để yên nào.
- Nhưng anh vừa uống rượu với lại…
Câu nói bị đứt quãng bởi một bàn tay giật mạnh. Người con gái kêu lên một tiếng nhỏ rồi giằng ra. Tiếng xoạt của vải rách kèm theo một tiếng rủa ngắn. Tiếng chân chạy xa và gã đàn ông rên lên. Hắn loạng choạng bíu vào cành tre lả gần mặt. Tôi nghe thấy tiếng thở hừng hực. Lúc hắn đi quành ra đằng sau cậy rơm để ngồi xuống thì hắn há miệng vì ngạc nhiên. Một hình thù ngồi đấy tự bao giờ. Đó là tôi, một con vật giống cái. Thỉnh thoảng tôi vẫn bò ra ngồi chỗ này hóng mát, vì nó ở ngay phía sau nhà tôi, cạnh con đường ven làng. Lần này tôi đã thiu thiu chợp được một giấc khá dài. Trăng lấp sau bụi tre và bóng người đàn ông chỉ còn là một khối đen lớn trên nền sẩm của lá.

Anh ta chập choạng đi đến phía tôi rồi quỳ thụp xuống nhìn vào tận mặt. Hơi rượu cay cay làm tôi muốn bật ho. Một con muỗi bay bên lỗ tai vo vo, anh ta giơ tay đập cái đét rồi ôm choàng lấy tôi.

Tôi không kêu nhưng cố đẩy anh ta ra kịch liệt. Mà tại sao tôi lại chống cự cơ chứ? Tôi thường mơ ước được ngửi hơi thở một người đàn ông và lần này tôi đã được. Anh ta ở ngay trên tôi. Anh ta với những bắp thịt rắn đanh. Tay tôi ghì lấy lưng áo sâm sấp mồ hôi hay vì sương xuống tôi không biết. Ánh trăng rất mờ, đám mây xám đảo trên trời như bão hay bão ở lòng tôi, tôi cũng không hay.

Rồi anh ta buông tôi và bỏ đi giữa lúc tôi nằm yên trên cỏ. Mùi rơm hăng và thơm như lúa mới, nhưng không làm tôi quên cái mùi người anh ta, và tiếng chân bỏ xa trên đất cũng không làm tôi trở mình. Tôi nằm đấy suốt đêm với con trăng ướt lạnh, với những vòng hào quang thần thánh quay cuồng không gian.

Quả nhiên sự báo thù của tôi lại công hiệu. Viên xã trưởng thấy mẹ tôi nói là cháu hắn ta thì tái người. Y cũng không dám đánh tôi vì có người nói tôi mà trụy thai thì y không khéo mất chức mà lại khốn khổ. Mẹ tôi chỉ luôn miệng van xin. Người này, người nọ mỗi người hỏi một câu, chêm vào một chuyện. Lúc tôi trông thấy cái mặt tái xám của anh Ba thì lại không cầm lòng thương. Tôi bèn đổ đại cho một chàng khác. Rồi lại một tên nữa bay ra, khiến cả làng hoang mang. Họ càng tra hỏi thì lại càng lúng túng bởi những câu trả lời của tôi. Tôi dám chắc rằng cả đời chưa bao giờ tôi lại nguy hiểm đến như thế. Tôi không còn là một con chó thường nữa mà là một con chó dại khiến mọi người sợ điên lên. Tôi thú vị vì trả thù được những đứa con gái hợm hĩnh có tình nhân hoặc chồng bị ghép ngủ với tôi. Bao nhiêu chàng ê chề, nhục nhã và ngượng đến phát sốt rét vì bị mang cái tiếng tăm đó. Thế ra tôi đã ngủ hết với họ theo tưởng tượng của mọi người. Tôi trở thành một thần tượng cho mọi người sợ và ghét.

Chỉ vì mày đấy con ạ, ôi cái hòn máu bé nhỏ là con của mẹ. Mẹ ước ao rằng sinh ra con hoàn toàn là một người chứ không phải là con vật nữa. Mẹ mang con trong bụng mẹ và lê con trên mặt đất. Mỗi một thước dài là mẹ lại cảm thấy sự có mặt của con và nỗi yêu đương của mẹ.

Tôi thấy nó cười trong tôi, tê tái như sau đêm anh ta đến, và tự nhiên tôi thấy yêu cả cuộc đời. Lão xã trưởng với bộ râu trê ngồng ngộng không còn đáng ghét nữa, y có thể tát tôi dăm bảy cái liền. Tôi cũng không còn ghét những đứa con giai, con gái làng lầm lì nhìn tôi một cách hằn học. Bởi vì tôi đã báo được thù, tôi đã cho họ nhận thấy là tôi ngang hàng với họ, những kẻ có hai cẳng đứng hẳn hòi. Ý tưởng đó làm tôi suýt bật cười thành tiếng. Một người đàn bà sấn đến cạnh tôi vừa chửi vừa định đánh. May mà có một người khác giữ lại:
- Tiên sư nó chứ, chồng bà đâu có ngủ lang với cái thứ mày hởi con giời đánh kia. Bà chỉ cho mấy thanh củi là mày chết bỏ đời.
- Thôi thì bác chấp làm gì. Chị ta dở hơi đấy mà. Đánh chửi lắm nó lại càng khai tầm bậy. Với lại cái mã ấy cũng chẳng sống được đâu. Người như thế làm sao mà đẻ với đái được.
Câu nói đâm vào phổi tôi buốt như một cây kim nhọn.
Tôi nghĩ đến thằng người con trong bụng. Không! Nó còn sống, nó đang sống, nó phải sống. Nó đang ngọ nguậy trong tôi, làm sao nó lại chết được. Tôi bằng lòng chết cho nó sống. Tôi bằng lòng chết mà không cần oán hờn gì ai hết, kể cả anh ta. Mà tôi phải biết ơn mới đúng chứ. Anh ta đã cho tôi dư vị của sự sống. Sự sống tràn trề bùng lên như lửa.
- Không, tôi không chết, các người đi đi.
Tôi hét lên, và mọi người lầm lũi tản ra.Họ vẫn sợ tôi như một con chó dại.
Thế rồi câu chuyện cũng hơi nguôi mặc dầu bụng tôi ngày mỗi lớn. Tôi không lê được nữa. Tôi ở nhà. Mẹ tôi cũng lo ngại bảo với tôi:
- Bầm hỏi bà mụ ở làng thì bà ấy bảo phải đem mày ra tỉnh mới đủ thuốc.
Người lại chép miệng: Thì người ta cũng sợ không làm nổi, nhỡ có sao lại khốn cả hai mẹ con.
Tôi phải đi vì tôi muốn con tôi sống, nó sống để làm người. Mà tôi còn tiếc gì cái làng này khi người ta nhìn đến tôi như một con người vật.

Chúng tôi thu xếp lên tỉnh.
Lần đi này, tôi có cảm giác sẽ không bao giờ trở về nữa. Giã từ tất cả, căn nhà, bụi tre, đống rạ sau nhà. Tôi chỉ mang đi toàn hình ảnh. Những hình ảnh se thắt lại trong những cơn đau dữ dội từng hồi.

Vị bác sĩ khám cho tôi xong quay lại bảo nhỏ với cô nữ y tá tay cầm bút ghi chép. Mẹ tôi thì lo âu nhìn hai người.
- Sản phụ phải ở đây tĩnh dưỡng cho đến ngày sinh nở. Vị bác sĩ nói. Trường hợp này phải mổ để lấy đứa bé ra mới hy vọng cứu cả hai mẹ con. Nhưng tình trạng của sản phụ nguy hơn. Dù sao chúng tôi cũng cố gắng.
Không, nó sẽ sống, tôi kêu thầm như vậy. Tôi bằng lòng hy sinh để nó sống.

Nằm trên giường sắt trắng, tôi như chói mắt vì sắc trắng của trần nhà và buồn nôn vì cái không khí của nhà thương. Những sản phụ khác cũng nhìn tôi bằng con mắt tọc mạch. Chắc họ cũng tự hỏi làm sao một người như tôi lại có chửa như họ được. Và loáng thoáng tôi cũng nghe thấy những tiếng xầm xì từ giường này qua giường khác. Nhưng tôi thì cần gì nghĩ đến họ. Tôi nghĩ đến đứa con tôi, đến cái đêm mà trời như đổ xuống. Da tôi tê đi, ràn rạn như có sự cọ sát của những sợi râu thưa đâm vào má. Mẹ tôi nói:
- Tao lo cho mày, Tư ạ… nhỡ làm sao.
Tôi ngắt lời khe khẽ:
- Bầm khỏi lo, rồi bầm có cháu bế mà. Còn con thì…
Tôi cũng không nói hết câu nhưng mẹ tôi cũng thừa hiểu.
- Có gì bầm nuôi nó.
Giọng nói của tôi nghẹn trong cuống họng, chúng tôi im lặng mỗi người một ý nghĩ. Đêm ấy tôi mơ thấy tôi đi về làng như một người thường. Bằng hai chân. Ai nấy đều chào hỏi tôi như chính tôi cảm thấy từ trước mình vẫn là người thường. Đến nhà thì có một thằng nhỏ ra đón với mẹ tôi. Trông tôi thằng bé chỉ cười. Mẹ tôi dắt nó đến và bảo: Sao không chào mẹ mày đi. Tôi giơ tay bế nó hôn, rồi hai mẹ con dong chơi trong vườn. Giữa lúc đang đùa với con và đang sống tràn trề hạnh phúc thì tôi hãi hùng chợt thấy cảnh vật như lớn lên và tôi nhỏ dần, nhỏ dần lại. Một cảm giác ớn lạnh suốt sống lưng và tôi chợt thức dậy. Bấy giờ còn là đêm. Đầu phòng một ngọn đèn còn le lói và qua khung kính nhỏ trời sao lấp lánh. Căn phòng lặng lẽ như một chiếc quan tài.

Tôi đặt tay lên bụng mỉm cười nghĩ đến nó rồi lại ngủ thiếp đi.

Duy Thanh






Khép Cửa 
Duy Thanh

Tôi gặp nàng trên con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo qua những chân đồi miền Yên Kỳ Phú Thọ. Dáng nàng thon thon ẩn hiện giữa hai lồ chè nặng mà ngay từ đàng xa tôi đã hình dung nàng là đẹp. Thầm nghĩ: người đàn bà đẹp đầu tiên ở cái dáng dấp. Tuy chưa nhìn rõ mặt, nhưng lúc nàng tới gần tôi cảm thấy xúc động mạnh.
Bởi vì người con gái ấy mang một sắc đẹp tây phương gần như thuần tuý, cái nhan sắc bỗng dưng lạc loài giữa khung cảnh núi đồi man rợ.
Quay sang Văn, người bạn đường của tôi lúc bấy giờ đang dựa vào gốc cây lim dim:
- Này Văn, cậu thử nhìn xem cô gánh chè.
Văn mở mắt chăm chú:
- Mà cô ta lai cậu ạ.
Ánh nắng đổ xiên trên mặt đường, lên mặt nàng hồng đỏ, những giọt mồ hôi lấp lánh trên làn da, thấm đẫm lưng áo nâu kệch. Hai bàn chân thoăn thoắt bước qua chỗ chúng tôi. Nàng đưa mắt nhìn nhanh. Tròng mắt nâu khẽ chớp, nàng cúi đầu chuyển vai gánh.
Không ai bảo ai, chúng tôi cùng xốc ba-lô lên vai và cùng cất bước.
Chỉ tay ra phía xa, Văn lên tiếng:
- Có lẽ mình sắp tới nơi rồi đấy. Theo thư của anh tôi thì cái nhà mình định tìm chỉ qua dốc này là thấy.
Tôi không trả lời, lơ đãng nhìn theo bóng của nàng, nhìn theo bím tóc nâu nhịp đều trên vai áo. Văn ghé vào mặt tôi cười lớn:
- Lại si rồi hở, mới ở thành ra mà vừa thấy bóng hồng đã vội ngẩn ngơ cả người.
Tôi cũng cười:
- Ờ thì có thể lắm chứ.
Cả một chương tiểu thuyết kỳ thú hiển hiện trong tôi. Cô gái kia ắt hẳn là kết quả của một cô thôn nữ Việt Nam nào ngày xưa đã lọt vào mắt xanh của một điền chủ ngoại quốc.
Tôi bỗng tiếc cho nàng, tiếc cho cái kiếp sống ấy đáng lý không phải ở đây, giữa những trùng điệp của núi, của rừng.
*
Chúng tôi tìm đến nhà bác Quyển ngay đầu thôn Yên Kỳ không khó khăn gì. Từng căn nhà cách nhau một khoảnh vườn nho nhỏ.
Bác Quyển bảo chúng tôi:
- Được, các chú tạm đây ít bữa trong khi chờ đợi. Nhà tôi đi công tác thỉnh thoảng mới về, có cô cháu thì buôn bán hàng họ luôn luôn. Nhà cũng neo người, chỉ có hai đứa nhỏ. Nếu hai chú muốn giúp được tôi việc gì thì giúp. Kể ra thì cũng chẳng có gì là nặng. Công việc chính miền này quanh quẩn chỉ có ruộng và chè, hái chè, nhặt chè, làm chè, gánh chè.
Bác cười nhe hai hàm răng cải mả, nháy mắt:
- Phải tập lao động với nhân dân kia mà. Thỉnh thoảng cũng có các cô xóm trên xuống giúp công cho tôi nữa đấy.
Tôi nhìn lại. Hai đứa con bác trạc 8, 9 tuổi, đương vây lấy chúng tôi.
- Kìa chúng mày không chào các chú đi.
Văn bảo tôi:
- Mai tôi cần lên Tuyên Quang để gặp anh tôi trước, thu xếp. Cậu tạm ở đây, có gì mình nhắn tin về sau.
- Đồng ý, nhưng chừng độ bao lâu?
- Lâu lắm là nửa tháng.
Bác Quyển chêm vào:
- Các chú không lo, ở đâu cũng là làm ăn cả mà. Để rồi tôi bảo dần cho, biết khối thứ lạ.
Bác cười hề hề. Đó là một người đàn bà đứng tuổi, vui tính và cũng dễ chịu.
Chiều hôm sau, lúc sẩm tối, chúng tôi đương ngồi nhặt chè bồm thì nàng đến. Tay bế một đứa trẻ nhỏ. Trong giây phút rất nhanh, mắt nàng ướt lên một cách lạ lùng. Xúc cảm thứ hai đến với tôi khi thấy nàng là người thôn này. Bác Quyển kêu lên:
- Kìa cô Mai bế cháu vào đây nói chuyện với chúng tôi một lát, có chú Thanh là người quen của cậu cháu trong Hà Nội ra, ở tạm đây ít bữa.
Bác nhìn sang tôi như phân trần:
- Cô Mai vẫn sang đây chơi luôn. Nhà cô ấy ở xóm giữa.
Và ghé vào tai tôi:
- Cô ta ngoan lắm chú ạ.
Thấy tôi nhìn trân trối, Mai có vẻ ngượng ngập nhưng cũng cúi chào.
Bấy giờ nàng đứng ngay ngưỡng cửa. Hình dáng thon nhỏ ấy in trên nền trời xám, gió ngoài vườn thổi vào phơ phất mùi hoa lý quyện lẫn cái thơm nồng của mùi chè mới sấy. Lúc ấy Mai đẹp lạ. Một vẻ đẹp não nùng.
Tôi nhìn nàng. Trước mắt tôi là hình ảnh một người yêu. Tôi nhận thấy rằng tôi yêu Mai từ giây phút đó mặc dầu tôi chưa biết gì về nàng. Mai nghĩ sao tôi không rõ, nàng nhìn xuống đứa nhỏ.
Nó là con Mai? Tôi đã ghen với gã đàn ông chưa gặp đó. Thẳng bé trông củ mỉ cù mì bên sườn nàng. Bác Quyển giơ tay:
- Ngoan ngoan để bác bế một chút nào.
Mai trao cho bác thằng nhỏ. Trông nó hao hao giống nàng ở cái miệng. Chỉ mặc một cái áo chấm hoa đã cũ và để truồng như các đứa trẻ khác.
- Bình ra bác bế này.
Lần đầu tiên tôi nghe tiếng Mai. Giọng nói thật ấm. Tôi nhìn lại cặp mắt ướt. Mai vội quay đi.
- Bác có nhặt bồm thì để em giúp cho một lát.
Và không đợi trả lời nàng ngồi xệp xuống đất bắt đầu nhặt. Hai bàn tay đưa đẩy rất nhanh.
Tôi nhìn nàng làm việc. Thực ra tôi không thấy gì cả. Trong cái tranh tối tranh sáng của chiều xuống, tôi có cảm giác quen thuộc như đã gặp Mai từ bao giờ.
Tôi cố nhớ, cố nhớ.
Ờ chính ra Mai đâu đáng sống một cuộc đời như vậy. Nhẽ ra Mai phải ở Hà Nội, tôi tưởng tượng nàng mặc một cái xiêm đỏ, áo trắng và đi ở phố Tràng Tiền mới phải chứ. Tôi chớp mắt nhìn lại nữa. Hình ảnh Mai của tôi bị nhoà đi. Chỉ còn bộ điệu một cô gái quê trước mặt. Một cô gái quê, một bộ mặt tây phương.
Tôi trông Mai như một con chim lạ lạc vào một xứ lạ.
Không biết có lâu lắm tôi ngồi đấy, vì chẳng ai nói một câu nào hay tôi không nghe thấy nữa thì chẳng biết. Tối xuống. Bác Quyển đốt đèn. Mai lại bế lấy đứa bé. Nàng nói sẽ:
- Em về bác nhé.
Tiếng bác Quyển đáp:
- Cô chờ chúng tôi đi họp xóm với chứ. Bữa chiều có thấy kẻng giục mà.
Một giọng đàn bà ở ngoài đon đả:
- Chị Quyển còn nhà đấy chứ? Em mới về đây.
- Vịnh đấy hở? Sao đã về sớm thế, tôi tưởng cô còn chết rấp ở Phú Thọ cơ.
Tôi ngẩng đầu trông người mới vào. Một cô gái vai còn đôi quang không mắc đòn gánh líu ríu như con chích choè. Thấy tôi là người lạ, nàng bụm miệng. Hai đứa trẻ cười rúc lên khiến bác Quyển phải mắng chúng mới thôi. Thêm một lần giới thiệu, tôi biết Vịnh là em chồng sự chủ.
- Chị Mai sang chơi đấy à? Xơi cơm chưa?
Tiếng Vịnh hỏi rờn rã. Mai gật đầu.
- Tôi đang định cho cháu đi họp xóm với bác Quyển.
Tôi nhìn lại hai người. Hai nhan sắc, ngọn lửa đỏ bập bùng của ngọn đèn dầu lạc.
*
Bác Quyển kể cho tôi nghe về Mai. Người mẹ của Mai trước kia là người làng này, trong một vụ kiện tụng gì đó ở tỉnh, có rơi vào tay viên công sứ Phú Thọ. Sau y về nước mà không biết đã để lại một đứa con - Mai lớn lên giữa những mái tranh, giữa những bụi tre làng, cùng với các đứa trẻ khác - và nàng lấy chồng. Trước kia chồng nàng làm thợ chữa đồng hồ, nay mắc phải bệnh lao phổi đã đến thời kỳ nặng chỉ còn nằm ở nhà. Thuốc thang thời ít. Hôm đến Mai, tôi bước vào một trống trải hoang vắng. Lúc ấy Mai đang ngồi sàng gạo ở giữa nhà.
Trên tấm phản gỗ, con mèo tam thể đương thè lưỡi liếm lông. Trong lòng chiếc võng khẽ đu đưa đứa bé yên nằm ngủ thiếp trong tiếng thở khò khè của người chồng Mai vọng tự gian buồng bên cạnh. Thấy chúng tôi vào, Mai đi rót nước. Tôi trông những cánh chè chìm lắng trong chiếc bát đàn không còn hơi nóng.
- Mời anh xơi nước.
Người chồng như một cái bóng từ gian bên bước sang. Chúng tôi chào nhau. Tấm thân gầy guộc của anh như bơi trong chiếc áo "va-rơi" đã bạc màu. Giọng anh xa vắng, khó khăn:
- Anh sang chơi.
Thật nhạt nhẽo. Thật buồn. Tôi không thấy ghen tức gì mà chỉ còn chua chát cho duyên số Mai.
Nhìn trên vành bát nước thấy Mai lặng lẽ ngồi về chỗ cũ sàng gạo. Nàng nuốt nước bọt khẽ thở dài. Tôi cười thầm: giá Mai nghĩ về tôi thì hay biết mấy.
Qua mấy câu chuyện thăm hỏi, đến chuyện làm ăn, bác Quyển như sực nhớ:
- Chết chửa. Tí quên. Tôi cũng phải về xay nốt cối gạo kẻo chốc nữa lại không có cơm ăn. À mà chiều nay tôi còn một sào chè hái ở đồi Ba Đông đó, cô Mai có thể giúp một tay không?
Mai ngừng mấy giây suy nghĩ:
- Được bác để em xem đã.
Tôi chêm vào:
- Tôi cũng giúp một tay nữa chứ.
Khỏi phải nói. Mà làm thì đến tối mịt đấy nhé.
Người chồng Mai lên tiếng:
- Các bác lo gì, tối nay có trăng mà.
Tôi nhìn anh, nhìn Mai. Một cảm giác ngào nghẹn từ ngực tới màng tai.
*
Những dòng ghi chép không ngày tháng.
Còn giữ mãi hình ảnh Mai những ngày mà tôi còn nhớ đến. Tôi giữ nguyên hình ảnh của buổi đầu gặp gỡ. Rồi cái đêm gặp Mai ở trên đồi chè. Trăng mười ba sáng mờ. Không hiểu sự tình cờ nào đã đưa chúng mình gặp nhau, hay chỉ là một sự thật, một sự đòi hỏi cần thiết giữa chúng ta xui nên.
Trong tròng mắt Mai tôi phiêu du đến những thành phố xa vời. Không phải là Hà Nội, không phải là Hải Phòng. Tôi nhớ màu đại dương, tôi nhớ những quán rượu hải cảng, đến những hè đường chân trời. Và Mai không phải chỉ là hình ảnh bình dị trước tôi.
Không Mai không thể là Mai. Tôi nghe run rẩy trên thớ ngực Mai cái tầm thường của hiện tại. Sương xuống lơi lơi như đêm nào tuyết rụng. Gần Mai tôi có cái sướng khoái của cảm giác, cái cảm giác điên mê của kẻ trong hầm ngục được thoát ra ngoài ánh sáng.
Ô bàn tay của Mai, bàn tay đương nằm ở lòng tay tôi, như một con chim nhỏ. Tóc Mai trên ngực tôi bồng lên cùng cánh gió. Ngoài kia một bể sao như những giọt thuỷ tinh vỡ. Tôi nghe tiếng đêm dìu dặt, cái im vắng khả nghi của Việt Bắc trong cái lẻ loi của từng tiếng côn trùng họp lại, của hòn đá, của ngọn cỏ, của chóp đồi, của vầng trăng chọc ghẹo chúng ta.
Mai bứt một ngọn lá, tôi dứt hẳn một cành chè. Ném xuống chân tôi đá theo một tảng đất lớn.
Tôi muốn thoát khỏi cái khung cảnh thường ngày. Ít ra, tôi muốn mang Mai đi, dù ở cõi mộng, đến một chân trời nào khác lạ, không phải thế này. Không thể, không thể.
Tôi vẫn không thể chịu được Mai trong lốt một cô gái gánh chè, bộ quần áo nâu sồng, với bàn chân đất.
Có phải Mai chưa biết màu đô thị? Tôi nhớ tôi đã ôm lấy Mai, đã hỏi Mai, đã kể cho Mai nghe một chút thị thành. Và Mai lấy làm lạ lùng, lấy làm bỡ ngỡ trước những hình ảnh Mai chưa hề gặp. Tôi càng thương Mai khi thấy Mai đã bằng lòng cái kiếp sống bình thường ấy.
Mai bằng lòng với cái nếp sống mà định mệnh đã trao cho Mai - Nghĩ thêm ra tôi thấy cũng phải, sao mình lại mơ ước những chuyện viền vông cho thêm khổ vào người?
Tôi ngồi với hiện tại và Mai. Cần nói gì với nhau khi giác quan đều nói cả? Nửa khuya đêm ấy, chúng tôi còn ở vườn chè. Đột nhiên Mai bảo: Em phải về. Câu nói ngắn ngủi buông thõng trong không gian. Tôi nghĩ đến chồng Mai, đến con Mai. Tự dưng tôi đứng dậy. Sao Mai lại có thể bỏ chồng bỏ con để đi vào giữa giờ này. Như đoán ra ý nghĩ của tôi Mai nói: Em nói với nhà em là đi giã gạo đổi công.
- Mai, về ngay đi.
Tôi buông tay, đứng sững nhìn Mai đi như chạy xuống chân đồi. Hình ảnh người đi trốn tội lỗi.
Tội lỗi, tội lỗi dày đặc nức nở. Bước trên cỏ rậm, tôi lẩm bẩm một mình: tầm thường. Mày chỉ là một sự tầm thường đáng ghét.
*
Tôi ghét tôi vô cùng. Mỗi ngày trôi đi ở Việt Bắc khiến tôi có cảm giác như biến dần thành loài cây cỏ. Lúc nào rảnh rỗi tôi chỉ còn nghĩ đến Mai, nghĩ đến một cách ích kỷ. Và sự tưởng tượng của tôi trở nên tầm thường, rất tầm thường. Sự tầm thường không cao quá mái bếp. Tôi càng biết vậy, tôi càng ghét tôi. Những cuộc gặp gỡ vụng trộm giữa tôi với Mai bắt buộc thưa dần vì có thể đã có những con mắt để ý tới. Nhất là Vịnh. Đứa con gái mới nhớn dậy này bắt đầu sống với những chương tiểu thuyết lãng mạn. Thì Vịnh đã là người của những chuyến đò đêm, tôi còn lạ gì. Mỗi lần nhìn tôi, mắt Vịnh ánh lên những tia đĩ lạ. Một bữa Vịnh kiếm cớ để dẫn tôi đi chặt nứa về dựng bếp. Vào tận rừng nứa hoang. Vịnh chỉ chờ tôi vẫy tay là sẵn sàng chiều theo mọi ý tôi muốn. Nghe Vịnh cười ròn rã mà đĩ thoả biết mấy. Tôi không ghét Vịnh, nhưng có điều kỳ lạ là tôi không hề thèm muốn Vịnh như Mai. Tôi vẫn nghĩ đến Mai, tôi nhớ đến khoảnh đồi chè, một vườn trăng.
Cả ngày hôm ấy Vịnh giận tôi lắm. Tôi phải ra bộ không biết và cười cợt để dàn hoà.
Tối hôm sau Vịnh lại rủ tôi đi tát nước. Toan chối từ, nhưng Vịnh bảo nàng sắp đi dân công nên tôi đành chiều nàng.
Những tiếng dội ùm ùm của từng gầu nước vọng trong cái tĩnh mịch của cánh đồng. Những hình đồi, hình núi xếp chung quanh chúng tôi. Nước tung toé đầy là trăng. Những tia nhỏ bắn vào chân tôi lạnh hoắt.
Vịnh khen tôi mới tập tát nước mà đã khá lắm. Sự thật thì tôi suýt ngã xuống ruộng mấy lần. Và mới dăm chục gầu nước đã thở hồng hộc. Nhưng sau đều tay thi quen dần, vừa tát vừa nhìn Vịnh.
Hình ảnh Mai dường như quên trong tôi. Bóng dáng Vịnh càng bay múa trước mắt. Đến nửa đêm thì tôi trông Vịnh đã thành Mai mất rồi. Lúc thu xếp gầu nước ra về, tới một gốc cây thi Vịnh trượt chân ngã vào tôi. Tôi đỡ lấy Vịnh. Hai cặp mắt nhìn nhau một lúc. Từ từ Vịnh khép mắt lại. Dưới con trăng bềnh bệch tôi trông rõ từng tấm mụn trên mặt Vịnh. Tôi trông rõ đôi môi Vịnh mấp máy. Sợi tóc xoã xuống mặt rung rinh. Tôi ngửi thấy mùi hơi thở Vịnh, mùi da thịt Vịnh. Lần ấy tôi không chối từ.
Buổi sáng hôm sau, bác Quyển bảo tôi rằng Vịnh đã đi từ sớm. Tôi như bớt một gánh nặng.
Tôi vẫn yêu Mai, mỗi lần gặp Mai lòng tôi rung động không ít. Tôi chắc Mai cũng ở tình trạng ấy. Tôi chỉ còn sống như một cái bóng trong xóm Yên Kỳ nọ. Tôi đợi tin của Văn ngong ngóng. Tôi muốn một sự thay đổi nào đó, dù tầm thường.
Tôi thấy nghẹn thở trong cái không khí hiện tại này. Tôi tìm quên bằng những công việc lao động nặng nề. Tôi đi gánh chè thuê như một người chuyên nghiệp, như Mai. Những đoạn đường đi về dằng dặc tưởng như không bao giờ hết. Mặt trời như càng thêm chói chang. Người tôi có lúc như ráo quắt lại, có lúc muốn bốc làm hơi khói. Thế mà trong lúc ngơi nghỉ tôi vẫn thấy coi thường những lúc làm việc tướp táp. Ở hoàn cảnh vậy tôi phải tự bằng lòng, phải cố bằng lòng chứ còn biết sao. Những người nông dân mà tôi gặp không hề có cảm tình thắm thiết với tôi. Với giai cấp tiểu tư sản của con người nội thành. Họ hài lòng thấy tôi khổ sở hơn họ ở công việc hàng ngày.
Rất nhiều khi tôi cười một mình.
*
Tin Vịnh chết như sét nổ. Bác Quyển lu loa khóc suốt nửa ngày. Vịnh tử nạn sau khi phục vụ Điện biên phủ, trên dọc đường trở về. Tôi nghe anh Bảy thuật lại lúc Vịnh chết:
- Lúc về đến gần Yên Báy thì một đàn mấy chiếc tàu bay ào đến. Chúng tôi nhảy bừa vào hai bên vệ đường. Đạn nổ sát sàn sạt bên tài tôi. Pầm pầm pầm pầm.
Mắt Bảy long lên. Hai nắm tay co lại theo kiểu sử dụng liên thanh đảo một vòng.
- Cứ tưởng chết hết cả, thế mà lúc kiểm điểm lại mất có năm người. Thế còn là ít đấy chứ. Tôi mất mẹ nó cái xe thồ hàng. Cô Vịnh nhà này bị đạn bắn nát mặt, mất nửa sọ nằm co cúm trong đám cỏ. Sau trận tàn sát đó, chúng tôi mai táng mấy người ở bãi đất gần đấy. Chẳng quan tài gì cả. Tội nghiệp cô Vịnh, cách đấy mấy phút cô ấy còn cười, hát hò lơ vang đường.
Tôi nghĩ tới đôi mắt đĩ thoả của Vịnh bị khoét nát bởi hòn đồng. Vịnh không hề ngờ sẽ phải chết một cách thảm khốc như vậy. Chắc chắn. Thật mau chóng, thật bất ngờ, đến nỗi rằng nghe kể lại tôi tưởng như chuyện đùa. Tôi còn nhớ nguyên Vịnh cũng như Mai. Tất cả sự sống của Vịnh còn gần gũi với tôi như vừa mới rồi.
- Mẹ cha cái thằng được bắn thật sướng. Ngồi trên tàu bay nó làm cỏ mình thi ngon như mắm còn gì.
Tiếng Bảy văng vẳng bên tai.
Cả đêm tôi mơ thấy Vịnh dắt những đứa con gái đã chết rồi đến ngủ với tôi.
*
Rồi hiệp định Giơ Neo ký kết như một giải thoát lớn. Tôi nhận được tin Văn nhắn lên Tuyên Quang. Nhưng có ý định sẵn, tôi sẽ xin giấy về Sơn Tây. Tôi biết khi trở về Hà Nội tôi sẽ vào Nam. Vụt nghĩ đến Mai, giá Mai có thể theo tôi, lánh xa cuộc sống ngột nghẹt này, bỏ rơi người chồng bệnh hoạn ấy để vào với ánh sáng, với tự do.
Sao lại không thể được? Tôi cần tìm gặp Mai.
Buổi chiều tôi đón Mai ở đầu dốc Yên Kỳ. Thấy tôi băn khoăn đứng đó, Mai đoán có chuyện quan trọng. Nhìn trước sau không thấy ai, nàng đặt quang gánh xuống đất.
- Gì đấy anh?
- Mai có còn bằng lòng cuộc sống mãi thế này không?
Mai mở to mắt ngạc nhiên. Tôi nói nhanh:
- Nếu Mai muốn tôi có thể mang Mai đi xa, thật xa, Mai nghĩ sao?
Nàng chợt hiểu:
- Thế còn chồng em, còn thẳng Bình, dù sao còn người làng nước. Em chưa ở thành thị bao giờ. Sợ rằng ở đấy em chẳng biết làm gì thì chết còn như ở đây thì em quen rồi. Anh xem chỉ có ngần này công việc.
Mạch máu tôi chạy rần rần hai thái dương. Tôi biết đó cũng chưa hẳn là cái cớ xác đáng cho Mai chối từ. Ở nàng còn sợi giây liên lạc với đất với quê hương. Tôi không thể chỉ nhìn khuôn mặt Mai mà xét đoán hơn. Là một cô gái quê Mai chỉ biết đến đồng ruộng, dòng máu viễn phương của Mai không còn tác dụng nữa. Hoàn cảnh tạo nàng như thế rồi. Vĩnh viễn.
Trong một giây, tôi không còn ảo tưởng. Phi lý tất cả, hành động, ý nghĩ của tôi. Mai nhìn quanh:
- Em phải về.
Và cúi xuống xếp lại quang gánh.
Gò má nàng hồng đỏ mịn màng. Bờ mi cong như những cánh lúa nườm nượp tháng mười. Nóng ran người, tôi nhớ lại buổi hôm nào gần Mai.
- Tối nay anh chờ Mai ở đồi.
Mai đợi câu nói ấy. Rất nhanh Mai ngẩng dậy, má nàng hồng thêm, ngực phập phồng dưới làn áo. Mai đi như chạy trốn. Như đã hơn một lần.
*
Trước khi vào Nam tôi viết cho Mai lá thư.
"Mai,
Biết sẽ phải không còn hẹn ngày gặp, tôi viết thư này.
Giờ đây đất nước phân đôi mà giữa chúng ta mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Tôi không thấy hối hận gì khi thấy Mai không còn là của tôi. Tình chúng ta chỉ còn trong kỷ niệm nó chỉ còn đẹp trong quá khứ. Như bao giờ tôi vẫn yêu Mai."
Tôi ngừng bút lâu lắm để suy nghĩ. Có thật tôi còn yêu Mai? Câu hỏi đặt ra tôi thấy khó trả lời quá. Viết cho Mai để làm gì khi bây giờ Mai đã ở ngoài giới tuyến của lòng tôi? Hà tất phải gây lại những kỷ niệm đã chìm sâu.
Lá thư viết nửa chừng, tôi xé bỏ. Nhìn những mảnh giấy vụn lả tả trên mặt đất, liên tưởng tới những mảnh thuỷ tinh rải rác trên vòm trời một đêm quá vãng.
Hình ảnh dâng lên. Tôi còn thấy hiển hiện bóng dáng người đàn bà ấy đang cong lưng gánh những chuỗi ngày khổ hạnh.
DUY-THANH
Sáng Tạo số 3 tháng 12/1956












Bài Thơ Sầu Tám Khúc

Duy Thanh

1/. Màu thương nhớ trống vắng như một cơn mưa dầm. Có ai nghe lời vô nghĩa ấy bao giờ. Vậy mà nó đến buồn và chậm như một bàn tay trắng có những đường gân rất xanh vân vê từng mạch máu. Tôi sẽ không nghĩ gì. Khoảng trời chì đặc. Những ngọn cây lá sa sầm. Những khúc đơn côi đời sống của một mùa đông nào mùa hạ nào mùa xuân nào mùa thu nào xa tít tắp. Lời thơ sầu mưng lên từ dĩ vãng.

2/. Thời tiết nào có đổi thay hay chỉ đổi thay ở mình. Có điệu nhạc nào bay từ không gian những hành tinh nào thế nhỉ. Mà em hát điệp khúc gì, anh vẫn nghe mà vẫn không thấy gì, hay âm nhạc chính là em. Bây giờ anh mới muốn hôn em, từ đầu ngón chân bé bỏng. Những búp chân hồng, những búp ngón tay. Cái khoảng cách diệu kỳ lạ lùng như tiếng nấc. Anh uống màu hơi thở hoàng hôn. Cả với em. Cùng tiếng hát nhiệm màu.

Trên những mái nhà thành phố là màu tím trời đêm.
Trên những linh hồn lang thang là nụ cười sa mạc.

3/. Có phải ngày xưa trái đất gần như chưa thành hình đã có một rể cây cổ thụ ôm lấy mình trái đất với trái tim đen. Và tảng mặt trời đen to lớn cũng ngó con mắt nhìn vĩ đại. Từ bấy giờ ánh sáng mới bắt đầu khiến trái tim thêm hồng, trái đất bỗng thành hình. Thời hoang dại bắt đầu với tình yêu nóng bỏng.
Anh tưởng tượng thần kỳ. Đừng bào giờ tin nhưng hãy tin như bao giờ. Em có thấy rằng khi mùa xuân qua đi mùa hè về xối xả. Chúng mình cùng dắt tay nhau chạy trên những đỉnh núi cao tìm miền băng tuyết. Sự lạnh lẽo đến rùng mình khi nhìn xuống đáy vực sâu. Ngã vào đấy là sự sống bắt đầu. Là trở về cuộc sống. Là mắc vào nhau cườm hoa định mệnh.
Em chắp hai tay cầu khẩn những gì thượng đế?
Anh không tin nỗi gì.

4/. Đây chỉ là một vuông xanh một vòng đỏ nền hoang trắng. Anh tặng em bức họa này không bao giờ nah vẽ nên. Em nhìn ở đấy là một hình tĩnh vật hay hình con người hay hình dung ảo ảnh hay hình tâm linh. Đừng phân tích bao giờ. Có gì là sự thật ngoài những sự thật vô hình. Em bảo em yêu anh thì cũng là một sự thật, nhưng là một sự thật vô cùng. Cũng mênh mang như thời gian không gian vô cùng tận.

Tôi chỉ là người đi giữa khoảng không.

5/. Giữa khoảng không trôi đi vun vút chạy thi cùng bầy ngựa đen phi dài trên cánh đồng cỏ sắc như rừng gươm khía vào chảy máu. Những giọt máu hồng vung vãi, nghe cười lên tiếng gió hút bên tai, nghe cười lên nỗi lòng đau tình ái. Em ơi hay đàn ngựa là linh hồn anh mà đèo cao thung lũng là những màu thử thách. Anh đi tìm ngoài em không bao giờ thấy tới khi nào linh hồn mệt đừ mới dựa vào vách đá trống trơn nghe thân mình tơi tả. Em bảo đấy là tình yêu, tình yêu là niềm cay đắng hân hoan, niềm vui mê điên dại. Anh vẫn ngó vào tròng mắt biếc đọc những câu thơ đớn đau của sự sống êm đềm, ve vuốt cuộc đời thời gian tàn phá, an ủi nỗi lòng mình mưa xuống hắt hiu. Sao lại là những dòng thơ buồn? Anh chờ lên mặt trời, muốn ôm tảng mặt trời chói bỏng, tảng mặt trời đen hoang đường, gọi những tên người không quen giữa phố, xa lạ cả với bóng mình ngảnh mặt làm thinh.

Anh chỉ là người đi giữa khoảng không.

6/. Nỗi ám ảnh bưng lấy hoài hoài, niềm đớn đau không bao giờ biết tuổi, anh ôm mặt nghe tiếng khóc trùng dương, thấy ngàn khơi hoài hoài hơi thở gấp. Từ ngọn đảo hoang bầy hải nữ vơi mình vẫn nô đùa hồn nhiên như thế.
Tiếng ca nào dâng lên như sương, triền miên biển rộng. Anh ngơ ngẩn cùng chuỗi âm thanh quấn tròn lấy cổ không nói một lời nào. Em ơi hãy hát một bài ca cho thêm sầu nữa chứ, cho cay đắng sau xưa, cho hoang đường thế kỷ.
Đêm đen bao giờ bước xuống phiêu phiêu thành phố im lìm nằm im giấc ngủ.

7/. Từ những vuông cửa khép rồi anh quay đi thăm những nấm mồ nhỏ bé, nghĩa địa quạnh hiu, sự chết êm đềm ló dạng. Anh đi tìm hái về tặng em sự sống rạt rào với bình minh rực rỡ.
Em cầu xin nỗi gì thượng đế giấc ngủ êm đềm.
anh không bao giờ biết.
em cầu xin nỗi gì thượng đế giấc ngủ êm đềm.
anh không bao giờ nghe.

8/. Anh vẫn đi chùm hoa sương trên tay, mang hình em trong đó ngăn với đời mình trường thành cách trở.
Này đây khoảng trắng vô cùng.
Này đây màu hoa anh tặng.

Duy Thanh
(Sáng Tạo số 3, tháng 9/1960)









Bài phỏng vấn họa sĩ Duy Thanh trên Bách Khoa số 131 ngày 15-6-1962

CUỘC PHỎNG VẤN VỀ QUAN NIỆM HỘI HỌA
NGUIỄN-NGU-Í phụ-trách

* DUY-THANH
Họ Nguyễn.
Sanh ngày 1-8-1931 tại Thái-Nguyên (Bắc-Việt).
Học vẽ năm 1954 với họa sĩ Nguyễn Tiến-Chung.
Triển lãm: năm 1954 tại nhà hội Khai trí tiến đức, Hà-Nội; năm 1956 tại phòng Triển lãm Đô thành và Pháp văn đồng minh hội, năm 1958 và năm 1961, cũng tại Pháp văn đồng minh hội.
Đã dự nhiều cuộc triển lãm chung với các họa sĩ khác ở Thủ đô.

Xe ngừng, tôi nhìn lên đã thấy anh tựa bao lơn tự lúc nào, nhìn xuống. Tôi cười, xin lỗi tới trễ và lên mau thang lầu…
Được biết nửa giờ sau anh lại có hẹn, tôi vội nói ngay: 
- Anh cho xin một bức ảnh để giới thiệu trên báo. 
Anh lẳng lặng lại bàn làm việc, lấy một miếng giấy vẽ, đưa tôi. Tôi tay nhận, mắt nhìn anh, rồi nhìn bức anh tự họa, bụng hỏi thầm chẳng biết khi đăng lên báo, có ai nhìn ra đó là họa sĩ Duy-Thanh không?
Nghĩ mình quá lo xa, và chợt nhớ tới một ý do một anh bạn vừa gợi hôm qua, tôi vào đề:
- Anh thấy giới hội họa cần làm cách nào cho công chúng hiểu và thích tranh hơn không?
Anh nhìn tôi, đôi mắt hiền lành của anh có chiều ngơ ngác sau đôi gương cận thị.
Tôi lặp lại câu hỏi.
Mắt anh nhấp nháy:
- Công chúng cần đọc sách bàn về mĩ thuật, cần đi xem các cuộc triển lãm, cần sự giáo dục về nghệ thuật, rồi mới có thể thích tranh.
- Đó là phần công chúng. Còn giới các anh chị, tưởng cũng nên làm gì để gần công chúng hơn.
- Chẳng lẽ chúng tôi lại mang tranh mình đem tới từng nhà, giải thích chỗ hay, rồi mời người ta mua à? 
Tôi cười. Nhà họa sĩ đang độ... nửa chừng xuân này, lúc bất bình cũng không có gì là dữ.
- Công chúng đi tới Hội họa, thì Hội họa cũng tiến lại công chúng. Có kẻ đi qua, người đi lại, mới sớm có sự gặp gỡ, mới dễ có sự cảm thông chứ!
Anh nghĩ ngợi một chút. 
- Tôi thấy mỗi anh chị em họa sĩ cố làm sao thực hiện được những gì mình ôm ấp, - tôi muốn nói tìm tòi cho đến nơi đến chốn - rồi tổ chức thường xuyên những cuộc triển lãm, đó là một trong những cách để Hội họa với công chúng gần nhau. 
Thấy tôi bỗng chăm chú nhìn mấy chục bức tranh treo khít, anh lên tiếng trước: 
- Câu hỏi trong thư phỏng vấn; nói về bức tranh nào tôi ưng ý nhất, tôi thấy không thể trả lời anh được.
- Tôi cũng biết nghệ sĩ có bao giờ hài lòng hẳn về một công trình nào của mình, “Cái Đẹp ngày nay không đẹp đến ngày mai". Nhưng trong một lúc nào đó, ta cũng vẫn thấy rõ rệt là ta ưng ý bức tranh này hơn những bức tranh khác; sau đó sự ưa thích của ta có đổi thay cũng là lẽ thường.
Anh cười tủm tỉm, đứng dậy, lại gần tường chỉ ba bức tranh treo khích nhau :
- Bây giờ, đây là ba bức tranh tôi ưng ý hơn hết.
Đó là ba bức họa không có người. 
Một góc phố vắng hoe. 
Một cảnh ở cao nguyên thì phải. 
Một cảnh ở đồng bằng, chắc thế.
- Ba đám lúa. Lúa vàng, lúa xanh và lúa đỏ?
Anh nhìn tôi:
- Tùy anh muốn hiểu sao thì hiểu.
- Thế là anh ở trong phái Trừu tượng?
- Tôi không ở trong phái nào cả. Nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với lối họa mình đeo đuổi, là đứng ì lại một chỗ, tức là không còn băn khoăn, nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa. Đó là việc của nhà phê bình, cho mình vào hạng nào đó, hoặc khám phá mình đang đi vào một con đường lạ.
- Anh nói vậy, nhưng hiện nay, anh cũng về theo một xu hướng nào đó chớ!
- Hiện thời, tôi có thể nói là tranh vẽ của tôi mang tính chất trừu tượng. 
- Tôi để ý thấy màu anh chỉ một sắc và anh ít chú trọng đến chi tiết.
Anh gật đầu.
- Như bức tranh ba đám lúa anh nói đây, anh nhìn lại đám đất mà tôi cho màu đỏ, mới nhìn, anh thấy như một màu, nhưng thật ra, có nhiều màu trong đó. Tôi muốn sao màu tranh của tôi nó là một khối, và chi tiết, tôi bớt đi nhiều. Đề tài với tôi ở vào vai phụ, rất phụ.Tôi muốn chơi với chất họa. 
- Vậy bức tranh “ba đám lúa với mặt trời’ đây, cũng chẳng phải anh vẽ cảnh thật, nhìn theo anh. 
Anh lắc đầu.
- Tôi nhận rằng Thiên nhiên giúp người học rất nhiều, nhưng tôi không nô lệ Thiên nhiên. Thiên nhiên chỉ gợi hứng cho tôi 
- Nếu vậy đứng trước một cảnh anh thích, thấy cần ghi lại...
- ... thì tôi vẽ phác, rồi về nhà, mầu sắc, hình thể tôi diễn tả theo cảm quan của tôi. Như tôi ngắm một cảnh trong cơn dông tố, về nhà, tâm trí tôi xúc động vì cảnh Tạo vật nổi cơn thạnh nộ mà tôi “cảm” những đồ vật, người ta, cảnh trí qua tâm hồn tôi dao động vì cơn dông tố nọ.
Tôi nhìn bức tranh ở góc trong: một người đàn ông mà thân mình không rộng bằng bề ngang cái đầu và cái mặt méo mó, màu xanh đậm, màu đỏ tươi, màu đen đem lại cho mặt anh ta một cái gì vừa đáng sợ vừa đáng thương. 
- Cái anh chàng này, anh nhìn theo cảm quan anh lúc đó nên chẳng bình thường như mọi người thường chớ gì?
Anh gật đầu.
- Tôi tự hỏi không biết anh ta đang si mê ai hay đang dự định làm đổ máu ai đây!
Anh cười nhẹ, lại gần tranh.
- Tranh này, tôi vẽ hai lần. Lần đầu, màu khác, lần sau tôi đổi lại màu khác. Cả tranh về phong cảnh cũng vậy. Có khi tôi chỉ đổi có màu trời, rồi phải đổi luôn màu đất, màu cây cho các màu ấy được hòa hợp nhau.
Tôi lùi ra xa, để nhìn. Anh lặng lẽ lại tủ lạnh, mở một chai xá xị, rót ra li, mời.
Tôi vừa nhắp nước giải khát, vừa thong thả hỏi anh:
- Với anh, chắc dân tộc tính không thành vấn đề.
- Đúng thế. Có phải mình dùng bút lông giấy bản là nêu lên những gì riêng biệt của người mình đâu. Dầu mình vẽ theo lối nào đi nữa, tâm hồn dân tộc cũng ẩn hiện không đó thì đây. Một người Mĩ biết thưởng thức tranh chẳng bạn nhìn vào một tấm tranh vẽ cảnh Đế-Thiên hay tháp Eiffel của một họa sĩ Việt mình vẫn thấy cái gì Á-Đông trong cách ghi lại những cảnh ấy. Tâm hồn, cá tính người vẽ, khó mà giấu được. Chỉ trừ những người không có cá tính, bắt chước người này, theo người nọ là tranh không nói lên cái gì đặc biệt, trừ ra cái ngây ngô.
Nhìn lại đồng hồ, thấy còn năm phút, tôi vội hỏi:
- Anh thấy hiện giờ hội họa nước mình có xu hướng nào đáng kể?
- Có hai xu hướng. Xu hướng hội họa có hình dung, Pháp gọi là peinture figurative, và xu hướng hội họa không có hình dung (peinture non figurative).
- Chắc anh Tạ Tị đại diện cho xu hướng sau này?
- Ở nước ta, chưa có ai đi hẳn con đường này, anh Tạ-Tỵ mới là một người đang thí nghiệm với vài bạn khác.
– Nhưng theo anh thì xu hướng nào nổi bật nhất?
- Xu hướng Ấn tượng. Và (với một nụ cười) những tranh vẽ theo xu hướng này bán khá chạy... cho người ngoại quốc.
– Anh có thấy giữa “phái già” và “phái trẻ” ở nước ta, hiện có sự xung đột không?
- Nói xung đột có lẽ quá đáng. Tôi nghĩ nên nói: quan niệm hai phái có khác nhau, do đó ít gặp gỡ, ít thông cảm. 
- Vậy trong giới hội họa, anh chị em có thường gặp nhau để trao đổi ý kiến, kinh nghiệm...?
- Dường như là ít khi.
- Anh có mong gì ở Chính quyền để ngành Hội họa mau phát triển?
Anh nhìn tôi. 
- Anh muốn chúng tôi mong gì giờ?
- Tỉ như giúp phương tiện, tạo dịp đi đây đi đó, cấp học bổng đi nước ngoài...
- Thôi, xin anh đừng nói nữa. Đó là những giấc mơ hoa! 
- Tỉ như thường mở những cuộc "Triển lãm”.. 
- À, cái đó chẳng cần mong. Chánh quyền đã thực hiện ba năm nay rồi. 
Quá giờ năm phút, tôi đứng dậy: 
- Trưa mai, tôi sẽ đưa người nhà báo đến xin anh chụp hai bức tranh. Một là bức mặt trời với ba đám lúa hay đất gì đây, hai là... À, hai cô thanh nữ trong tranh này vẫn một ở ngoài đời chớ? Hai là một trong hai bức tranh tóc xõa bờ vai này. Anh hỏi tôi chọn cô nào? Cô này có vẻ yên vui, thôi để yên cô ấy, cô này thắc mắc, lo âu rõ ràng, tôi xin chụp vậy. À, quên hỏi ý kiến anh về tương lai Hội họa nước nhà.
- Tôi có hỏi một bạn họa sĩ người Pháp. Anh ấy trả lời: “Cuộc triển lãm mùa Xuân năm nay khá hơn các cuộc triển lãm khác đã qua, nhưng tôi chưa thấy một ai có một cá tính, một chân tài nổi bật”. 
Giã từ anh, tôi còn rán hỏi:
- Trong tranh anh, anh thích dùng màu nào nhất? 
Anh tươi cười:
- Màu đó không phải màu trắng!

NGUYỄN-NGU-Í thuật 
Bách Khoa số 131 ngày 15-6-1962













11 tháng 8 mừng sinh nhật họa sĩ Duy Thanh 81 tuổi
Duy Thanh Trái Tim Đang Cười


Đinh Cường





Anh ngó vào trái tim đang cười

với đóa hoa đá trắng…


(Giản đơn- Duy Thanh Sáng Tạo, Giai Phẩm Xuân Kỷ Hợi 1959)




Sáng Tạo số 1 




Vẫn nụ cười ấy, nụ cười rộng mở khi chúng tôi ghé San Francisco thăm anh tháng 4 vừa qua. Vẫn căn phòng ấy, anh chị và ba cô con gái đã ở từ bao nhiêu năm nay, căn phòng số 203 trong cái apartment cũ xưa ở đường Polk còn cái thang máy kéo cửa sắt đen nhỏ, lên tầng 2 đã thấy anh đứng sẵn đón dẫn về phòng. Mừng vui gặp lại chị Trúc Liên vẫn khoẻ, nhớ cái ảnh đám cưới anh chị vào năm 1963 ở Sài Gòn có Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng , Trần Lê Nguyễn …những người bạn thân của anh thời Sáng Tạo nay đã mất, cả Tạ Tỵ, Thái Tuấn cũng không còn. Chỉ còn anh năm nay 81 tuổi, anh Doãn Quốc Sỹ 89 tuổi vừa gặp tại tòa soạn Việt Báo của Nhã Ca -Trần Dạ Từ, Trần Thanh Hiệp 88 tuổi ở Pháp và Tô Thuỳ Yên trẻ nhất trong nhóm Sáng Tạo năm nay cũng đã 75 tuổi, ở Houston - Texas…Từ năm 1997 lần anh lên triển lãm tại Virginia, nay mới gặp lại, cùng ngồi bên nhau trong cái không gian bé nhỏ mà ấm cúng, chị vẫn tươi tắn với chiếc khăn voal màu đỏ tươi, anh thì quần short áo thun trắng, thân người chắc, đôi mắt lộ, tinh anh…trông như Picasso, mặc dù anh cho biết anh đang bị ung thư tuỷ, may có thứ thuốc mới vừa ra để chữa trị…anh cho xem receipt vừa nhận hộp thuốc đắt tiền, và anh cho xem bao nhiêu là album ảnh kỷ niệm bạn bè, làm nhớ năm xưa Sàigòn, vùng Hàng Xanh - Thị Nghè nơi chị ở, nhớ căn appartement anh ở đường Pasteur, cả chiếc xe hơi cà tàng của anh. Nhớ nhất lần gặp anh Mai Thảo nhân cuộc triển lãm tranh Duy Thanh năm 1956 tại Phòng Triển Lãm Đô Thành, anh Mai Thảo đã hứng chí làm bài thơ ghi tặng cho người tuổi trẻ là tôi, năm ấy còn học lớp Đệ Nhị C trường Petrus Ký, tôi còn giữ mãi đến bây giờ, đã 56 năm…Chao ơi thời gian .


Duy Thanh một thời với Ngọc Dũng, Thái Tuấn được xem như những họa sĩ đã thổi luồng gió mới vào không khí sinh hoạt hội họa Miền Nam, sau những năm di cư 1954 từ Miền Bắc vào. Tên tuổi Tạ Tỵ cũng trong thời gian ấy nhưng như đứng riêng, anh thuộc lớp Trường Mỹ Thuật Đông Dương những khóa cuối cùng, được xem là người vẽ lập thể và trừu tượng sớm nhất. Thái Tuấn thì cùng lớp với Phan Tại, Bùi Xuân Phái …anh dự thính năm đầu trường Mỹ Thuật Đông Dương và sau đó tự học là chính, riêng Duy Thanh và Ngọc Dũng thì học lớp dạy vẽ tư, do các họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương dạy như Lương Xuân Nhị ( 1913- 2006 ) Nguyễn Tiến Chung ( 1914-1976 ), Bùi Xuân Phái (1920-1988 ). "Tôi theo học lớp hội họa đầu tiên với ông thầy Nguyễn Tiến Chung. Dáng người gầy cao, xương xẩu, ông này đã lưu lại ở tôi nhiều kỷ niệm tốt. Nhất là lề lối truyền thụ nghề nghiệp cũng không bị gò bó lắm lắm vào khuôn khổ, nề nếp- vốn là truyền thống- của các trường mỹ thuật. Tôi thụ giáo ông được đúng năm rưỡi. Trong thời gian này tôi quen với chàng Ngọc Dũng. Những năm đầu tiên bước vào đời sống hội họa cũng lưu lại ở tôi nhiều kỷ niệm. Xưởng họa chúng tôi ở trên lầu trường tư thục Trí Tri, phố Hàng Quạt …"
(Duy Thanh - Phiếm luận về hội họa - Văn số 93, tháng 11 năm 1967 - Viết về hội họa, trang 52 )



Ảnh đám cưới Duy Thanh- Trúc Liên
Sàigòn 1963 


Anh là người chung thuỷ, yêu quý gia đình. Từ 1973, vợ con ở Sài Gòn, họa sĩ ra nước ngoài làm việc. Tháng Tư 1975, ông đang ở Okinawa. Gia đình ly tán. Hơn 10 năm sau mới đoàn tụ ở San Francisco (Cùng Nhớ - Trần Dạ Từ viết - Việt Báo Tết Nhâm Thìn - 2012) Theo Duy Thanh kể thì tháng tư năm 1975 anh đang ở Thái Lan, ở Okinawa là từ khi rời Việt Nam năm 1973 …


Đinh Cường - Duy Thanh - Thái Tuấn - Ngọc Dũng
Virginia 1997


Và như anh đã từng viết : Nếu những gì của mình cất công tạo ra đều gọi là sáng tác phẩm thì như anh như tôi đều đạt tới mức siêu phàm. Nghĩa là mình cũng có những tác phẩm vĩ đại ( chỉ khác là với riêng mình mà thôi ) thứ tác phẩm mà mình hài lòng nhất, dầu có đem cả kho tàng nghệ thuật trên thế giới cũng chẳng so sánh được. Điều này tôi chỉ khám phá ra từ khi đẻ đứa con đầu tiên. Và đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên thành kiến là những tác phẩm tuyệt hảo trời cho ấy là tuyệt diệu nhất .Vô lý là như vậy. Anh nghĩ sao. ( Duy Thanh- Phiếm luận về hội họa- Văn số 93, tháng 11 năm 1967- Viết về hội họa- trang 56 ). Anh còn chỉ hai bức tranh nhỏ vẽ phố của Bùi Xuân Phái treo trên cao, anh nói sẵn có cái đinh thì treo và nói có ba cô con gái mà chỉ có hai bức của Phái để cho …

Anh thuê căn phòng dưới basement hẹp cỡ 2 m x 3 m, trả 200 một tháng, cách chỗ ở 7 blocks, với cái ghế tôi ngồi giữa những lùm xùm vây quanh, không có chỗ len chân, anh ghi sau mấy tấm ảnh như vậy. Anh đi bộ từ nhà đến đó ngồi vẽ.Thời gian sau này anh vẽ vô số những vung bút nhỏ trên giấy, nét bút mạnh, rất thiền, như một đạo sĩ :



Duy Thanh 
tại studio 2011 ( ảnh HT )




Mỗi sáng bạn thả rong bờ bãi
Hít hà vô lượng sóng trùng khơi
Cheo leo ghềnh mỏm bọt tung vãi
Nheo mắt trông biển cồn xanh ngời
( Thơ xuân tặng bạn – Thanh Tâm Tuyền )



Anh đã hít hà vô lượng sóng trùng khơi, mây xám thấp trên thành phố San Francisco đã in dày dấu chân anh cuốc bộ, như con chim cô đơn trốn tuyết anh đã ngồi trên chiếc ghế đó căn phòng đó mà vẽ, vẽ đắm đuối bao nhiêu là tranh trên giấy, với chất liệu sơn dầu , acrylic , mực đen …những chất liệu ấy đôi khi hòa quyện lại như núi lửa như sóng biển gầm, và đôi khi tịnh yên như trở về Không, bắt gặp trên những nét bút phóng túng ấy luôn tài hoa, những nét bút qua những ngón tay bắt được của trời như Mai Thảo đã viết về anh . Nhớ lại những bức tranh khổ nhỏ Duy Thanh lần triển lãm tại Café Montmartre - Virginia - năm 1997, với màu nóng, rực sáng. Người xem có cái cảm tưởng màu đi thẳng từ những ống màu lên tranh. Dessin của ông cũng vậy, không có cái óng ả, nuột nà mà là những nét cứng cáp thô bạo…( Như Hạnh / Lê Thiệp – Duy Thanh tranh nhỏ ngạc nhiên lớn – Văn số 16, tháng tư 1998 ). Loạt tranh nhỏ bây giờ của anh như hơi thở anh, như anh đã phát biểu từ xa xưa : Mỗi bức tranh là một trạng thái tâm hồn trong một thời gian nào đó của nhà họa sĩ. Trạng thái đó kết bằng màu sắc, hình thể, đường nét trong thời gian ấy. Cho nên không thể nào có hai bức họa giống nhau dù là do một người vẽ cùng một sự vật 2 lần ( tôi nói trường hợp nhà nghệ sĩ chân chính ). Thành thử họa phẩm nếu có một giá trị hơn các tác phẩm khác như thơ văn là ở chỗ đó. Nó chỉ có một .( Duy Thanh - Thảo Luận , nhà xuất bản Sáng Tạo 1965, trang 72 ) 

Trả lời phỏng vấn Nguyễn-Ngu-Í trên Bách Khoa số 131 ngày 15-6-1962 , phần tiểu sử ghi: Duy Thanh, họ Nguyễn . Sanh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên ( Bắc Việt ). Học vẽ năm 1952 với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Triển lãm : năm 1954 tại nhà hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, năm 1956 tại Phòng Triển Lãm Đô Thành và Pháp Văn Đồng Minh Hội, năm 1958 và năm 1961 cũng tại Pháp Văn Đồng Minh Hội . Đã dự nhiều cuộc triển lãm chung với các họa sĩ khác ở Thủ đô. Anh còn trả lời : Tôi không ở trong phái nào cả. Nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với hội họa mình đeo đuổi, là đứng ì một chỗ, tức là không còn băn khoăn nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa…Trên Bách Khoa số 148, ngày 1-3-1963, cũng Nguiễn - Ngu- Í trong Một Giờ Với Duy Thanh cho thấy anh đăng truyện ở Sáng Tạo, và truyện anh người đọc cho là bạo . Hoạ sĩ có nói với chúng tôi là anh không theo đường lối Dã Thú, mặc dầu anh dùng màu nguyên chất . Về truyện ngắn của anh tôi vẫn nhớ hoài truyện Đống Rác ( Sáng Tạo số mùa xuân, số 5 tháng 2.1957, trang 43 ) mà tôi rất thích, như một tự truyện : ‘’ Khung vải đặt lên giá, tôi ném bừa bãi những hình thể, những màu sắc lên tàn nhẫn. Vẽ để cho vơi một cái gì đương hun bốc trong người. Chiều nắng tỏa bát ngát lên mặt họa phẩm, đan trên sàn gỗ từng phiến màu lồng lộng… ‘’ Truyện ngắn và thơ của anh đăng trên Sáng Tạo khá nhiều, cũng như Ngọc Dũng …Hãy đọc một trong số những bài thơ của Duy Thanh :



Duy Thanh - Đinh Cường - Trúc Liên 
San Francisco, 4- 2012




Chân dung

hai cánh tay trần trụi giơ lên
cặp mắt mở tròn không chớp
có nghe những tiếng kêu rừng rú trên làn da
như thú dữ chạy dài ngàn khuya lửa cháy
hãy nhìn lên nhìn lên sẽ thấy
chiếc đầu kia gối trên những ngôi sao lạ bồng bềnh
hai cánh tay duỗi dài thẳng mãi
và mồm kia cứ mãi nín câm
( Sáng Tạo số 4 bộ mới – 10. 1960 )



Duy Thanh 
tự họa 1957



Duy Thanh gặp Thanh Tâm Tuyền qua Quách Thoại . Thanh Tâm Tuyền khi đang làm tuần báo Người Việt gặp được Quách Thọai, Quách Thoại giới thiệu những người bạn của mình với Thanh Tâm Tuyền, trong đó có Duy Thanh. Vì gặp muộn nên không có sự góp mặt của Duy Thanh trên tờ Người Việt. Trình bày và minh họa tờ báo lúc đó do họa sĩ Duy Liêm trông nom (Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo – litviet.com) nhưng theo Duy Thanh thì : “ năm 2000 trong lần đi thăm Ngọc Dũng (lúc chàng này hấp hối) tôi có hỏi Thanh Tâm Tuyền: tụi mình quen nhau trong trường hợp nào ? Thanh Tâm Tuyền trả lời : qua Hồ Nam. Đến đây thì tôi nhớ ngay là Hồ Nam kiếm tôi để nhắn tin . Hiện tôi cũng không nhớ là tôi quen Quách Thoại trong trường hợp nào nhưng lại nhớ qua Quách Thoại thì tôi quen Trần Lê Nguyễn và Thái Tuấn ( trích thư riêng Duy Thanh, 27 July 2012 )


Có thể xem Sáng Tạo như một tiếp nối của Lửa Việt ( Lửa Việt số 1 ra tháng 8.1955, Sáng Tạo số 1 ra tháng10.1956 ) đã mở đường cho một không khí văn chương nghệ thuật mới. Trước vận hội đầy hứa hẹn của một đất nước trẻ trung vừa vươn mình đứng dậy, sức sống sáng tạo thực sự bùng nổ. Sàigòn đã có những tiếng nói rất mới, đầy âm vang, mạnh mẽ và vô cùng thiết tha, ví dụ là những Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại …( Huỳnh Hữu Uỷ - Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại - VAALA xb, California, 2008, trang 53 ).


Thái Tuấn- Duy Thanh - Ngọc Dũng , ba họa sĩ thường được nhắc như một cái tên chung khi nói đến nhóm Sáng Tạo, đã ghi được một chặng đường đầy hưng phấn cho hội họa Miền Nam, tranh Thái Tuấn bàng bạc chất nostalgie, tranh Ngọc Dũng thơ mộng, tranh Duy Thanh tươi mươi nồng thắm… Cả ba anh đều hiền, giữ bền lâu một tình bạn đẹp. Tôi yêu quý cái tình bạn ấy giữa các anh trong nhóm Sáng Tạo, từ Mai Thảo đến Vũ Khắc Khoan, từ Thanh Tâm Tuyền đến Doãn Quốc Sỹ, Tô Thuỳ Yên … 


Riêng anh Duy Thanh, mong là sẽ về lại San Francisco thăm anh để cùng đi bộ lang thang qua mấy con đường dốc, ghé ngồi ở cà phê La Trieste mà Nguyễn Xuân Thiệp rất thích, ghé lại căn phòng nhỏ hẹp anh thuê làm chỗ vẽ …và đi và đi dù chiều khép cửa
mà đi mà đi về tận vô thường …
( Duy Thanh - Bài thơ tình số 13 - Sáng Tạo 8.1957 )

Chiều khép cửa, về tận vô thường … Chiều hôm nay mưa đều, nhẹ hạt, nhìn cánh chim đen bay ngoài trời và trong tranh anh mà nhớ, nhớ nhất nụ cười rất Phật của anh, nụ cười mà người bạn thi sĩ đã ghi :

hãy mở cửa ra hãy gần gũi lại
như vừa mới tháng tư gặp lại Trúc Liên- Duy Thanh ở San Francisco

Đinh Cường nói để điểm danh người họa sĩ vừa bước qua tuổi 81 đang hào hứng thao thao bất tuyệt về loại thuốc mới trị ung thư tuỷ

sống trên đà
hồi phục
anh cười
nụ cười sơ sinh

tuổi ngoài 80 trở lại y như thời làm báo Sáng Tạo đường Ký Con Sàigòn
anh cười rất lạ
giống y như bây giờ
nụ cười sơ sinh

tháng sáu trời mưa ngực em thơm mùi gió biếc .

(Hải Phương - Tạp sự viết ở San Jose tháng sáu trời mưa ngực em thơm mùi gió biếc – tienve.org)

Mong anh khoẻ, tiếp tục vung bút sảng khoái như câu nói của Van Gogh mà anh thích :
“Tôi dùng những màu xanh, màu đỏ để tả sự say mê kinh khiếp của con người ”

Và như thế những người thân, bạn bè anh sẽ vui như thấy anh còn say mê kinh khiếp, như trái tim đang cười …


Virginia, 9 August 2012








































Đinh Cường



























Xem và Đọc lại DUY THANH
01 Tháng Hai 2015







Nhân sinh nhật của Họa Sĩ DUY THANH


Họa sĩ Duy Thanh và vợ 2011 (Hình: dutule.com)

Ông – ngoài là họa sĩ “tự học” nổi tiếng trong nhóm “Bộ 3” Thái Tuấn-Duy Thanh-Ngọc Dũng của Sài Gòn từ năm 1954 đến 1975 – còn là tác giả của nhiều truyện ngắn và thơ đã phổ biến trên tạp chí Sáng Tạo ngay từ những số đầu tiên được phát hành vào năm 1956, đặc biệt là những ý kiến, nhận định, bài viết của ông về quan niệm sáng tác nghệ thuật hội họa.






Duy Thanh sinh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên-Bắc Việt, họ Nguyễn. Đến năm nay là sinh nhật thứ 82 của họa sĩ. Ông hiện sống ở San Francisco trong tình trạng sức khỏe yếu kém.

Thời Sài Gòn trước 1975, hình ảnh của ông còn in đậm trong ký ức tôi với khuôn mặt rắn rỏi, khỏe khoắn, đôi mắt lộ và sáng dưới cặp chân mày đậm và to, tiếng cười sang sảng và giọng nói dầy, trầm ấm. Lần tôi gặp ông gần đây nhất là vào dịp Duy Thanh từ vùng Vịnh (San Francisco) xuống quận Cam(Orange County) thăm nhà văn Mai Thảo đang trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng vào năm 1999, cách đây cũng đã trên 10 năm. Lúc ấy trông ông vẫn còn rất “trai trẻ”. Cái cốt cách mà đến nay ông vẫn còn giữ được phần nào dù đang mang căn bệnh hiểm ác ung thư tủy, như trong một bài viết của họa sĩ Đinh Cường sau khi ghé thăm người bạn vong niên của mình vào năm 2012: “…cùng ngồi bên nhau trong cái không gian bé nhỏ mà ấm cúng, chị (vợ của DT) vẫn tươi tắn với chiếc khăn voal màu đỏ tươi, anh thì quần short áo thun trắng, thân người chắc, đôi mắt lộ, tinh anh… trông như Picasso, mặc dù anh cho biết mình đang bị ung thư tủy…”. Đối với người bị ung thư, chịu đựng được nó là cả một cuộc chiến đấu lớn với đau đớn và tuyệt vọng, vượt qua được nó là một điều kỳ diệu. Duy Thanh, người họa sĩ từng để lại trong thế hệ họa sĩ chúng tôi những ấn tượng sâu đậm về ngôn ngữ mới cho hội họa Việt Nam thời những thập niên 60-70, đã vừa phải trải qua những năm tháng như thế. Để gửi đến ông lời cầu chúc sức khỏe, mong sự kỳ diệu sẽ đến với ông, cho gia đình ông và cũng là cho chúng tôi, bài viết này là một cố gắng tổng hợp khái quát những gì họa sĩ Duy Thanh đã cống hiến cho hội họa, văn chương Việt Nam tự do kể từ ngày ông di cư vào Nam năm 1954.



Từ trái các Họa sĩ Đinh Cường, Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng (Hình Đinh Cường)


Trước khi nói về Hội Họa Duy Thanh, là phần chính của bài viết, tôi xin được lược qua một số bài viết tiêu biểu về hội họa, một số truyện ngắn và thơ của ông đã đăng trên nhiều số của tạp chí Sáng Tạo từ năm 1956 đến 1960.


Tiểu luận về hội họa:
1. Trường Hợp Picasso, Sáng Tạo số 2 – tháng 11 năm 1956
2. Nói Về Hội Họa, Sáng Tạo số 8 – tháng 5 năm 1957

Với 2 tiểu luận này cùng với những phát ngôn trong các Bàn Tròn của tạp chí Sáng Tạo, đặc biệt là bàn tròn Ngôn Ngữ Mới Trong Hội Hoạ (Sáng Tạo bộ mới số 3 – tháng 9 năm 1960) cùng với 8 tác giả khác, có thể thấy Duy Thanh cùng Thái Tuấn và Ngọc Dũng là những họa sĩ tiền phong của phong trào cổ xúy đổi mới ngôn ngữ hội họa Việt Nam.

Trong tiểu luận về Picasso, Duy Thanh viết:
“…Chỉ có Picasso luôn bất mãn, luôn tìm kiếm, luôn phá phách, luôn mâu thuẫn và điều kỳ lạ nhất, Picasso vẫn thành công rực rỡ trước mọi thử thách.”

Và khi đề cập đến vấn đề của người xem tranh luôn đòi hỏi phải hiểu được tác phẩm muốn nói gì một cách cụ thể, Duy Thanh đã mượn lời Picasso:
“…một họa phẩm đến với tôi như tự cõi nào xa lắm, không ai biết được nó bao xa, chỉ có tôi đoán được, trông thấy được và tạo ra được. Làm sao người ta có thể đi sâu vào cõi mộng của tôi, trong bản năng của tôi, trong khát vọng của tôi, khi tất cả những thứ này đã được gạn lọc thấm nhuần từ bao lâu trong tôi rồi bật ra khung vải. Ai đã có thể hiểu được tác phẩm khi ở đó tôi đã vẽ bằng một phần của vô thức.”



Họa sĩ Duy Thanh trong họa thất 2011 (Hình dutule.com)


Và còn đi xa hơn, cực đoan hơn với tuyên ngôn sáng tạo nghệ thuật của Picasso:
“…Sao chúng ta có thể theo khuôn sáo cũ mà quên mất phần sống bên trong của con người, những tâm trạng con người chúng ta trong thế kỷ này. Tôi đòi hỏi một sự độc tài trong nghệ thuật, sự độc tài của các họa sĩ, sự độc tài của một cá nhân nào đó dám gột bỏ hết thói quen, những trò tiểu xảo, những cái đẹp giả tạo và cùng bao nhiêu thứ khác nữa để dám làm một cái gì mới.”

Với tiểu luận Nói Về Hội Họa, Duy Thanh gần như hưởng ứng những suy nghĩ về sáng tạo nghệ thuật mà Picasso đã chủ xướng một cách triệt để như những trích dẫn đã nêu trên.

Cũng như mượn lời của Braque, danh họa Lập Thể đã nói về cách sáng tác của mình: “Tôi tiến tới độ làm mất đi tính chất của sự vật để cho vật đó một ý nghĩa khác hơn, một sức sống mới, một cuộc đời mới. Khi vẽ cái bình, không phải chỉ là một đồ vật đựng nước. Nói khác đi, những vật được tạo ra giữ một số phận mới trong bức tranh.”

Và Duy Thanh kết luận: “Muốn làm nghệ thuật ít ra phải nắm được cái chất của nghệ thuật, mà phải là thứ nghệ thuật bây giờ, thứ nghệ thuật tiêu biểu cho thời đại của mình. Vẽ chỉ là phương tiện để diễn đạt tiếng nói của linh hồn, vẽ là một thám hiểm nội tâm”.

Với phát ngôn này của Duy Thanh, tôi đặc biệt chú ý đến cụm từ “nghệ thuật bây giờ”, đây là một cách gọi tên rất mới của một họa sĩ Việt Nam vào những năm 50-60 của thế kỷ trước để phân định cho trào lưu nghệ thuật đang làm thay đổi hệ thống mỹ học có từ trước và đến những năm đầu của thế kỷ 21, người Tây mới bắt đầu dùng thuật ngữ Nghệ Thuật Bây Giờ (Art Now) để thay cho Nghệ Thuật Đương Đại (Contemporary Art).


Về văn chương:

Truyện ngắn:
– Khép Cửa, Sáng Tạo số 3, tháng 12 năm 1956
– Đống Rác, Sáng Tạo số Xuân, tháng 2 năm 1957
– Chiếc Lá, Sáng Tạo Bộ Mới số 1, tháng 7 năm 1960
– Lớp Gió, Sáng Tạo bộ mới số 2, tháng 8 năm 1960

Quan niệm về viết truyện của mình, Duy Thanh đã bày tỏ rất rõ trong bàn tròn thảo luận Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết của tạp chí Sáng Tạo (bộ mới) số 1, tháng 7 năm 1960: “Khi viết tôi không hề nghĩ đến nhân vật. Khởi đi từ một hình ảnh, một ý tưởng nào đó viết dần rồi nhân vật hiện ra. Tôi muốn mỗi nhân vật của tôi phải là một sự phiêu lưu bất kể mọi giới hạn. Cũng phiêu lưu như khi tôi làm nghệ thuật.”

Thơ:
– Hoang, Sáng Tạo số 7, tháng 4 năm 1957
– Em Đã Nghe Gì Trong Bài Thơ Hôm Nay, Sáng Tạo số 9, tháng 6 năm 1957
– Bài Thơ Tình Số 3, Sáng Tạo số 11, tháng 8 năm 1957
– Khung Cửa – Dòng Sông, Sáng Tạo số 12, tháng 9 năm 1957
– Bài Thơ Nga, Sáng Tạo số 15, tháng 12 năm 1957

Quan niệm về làm thơ, trong thảo luận về Thơ Bây Giờ (Sáng Tạo bộ mới số 2, tháng 8 năm 1960), Duy Thanh nhận định: “Nhà thơ nào độc đáo đều có một ngôn ngữ riêng”. Và: “Tôi thường nói chuyện với anh Thái Tuấn rằng muốn làm nghệ thuật ít ra phải nắm được cái chất của nghệ thuật (mà phải là thứ nghệ thuật bây giờ, thứ nghệ thuật tiêu biểu cho thời đại của mình). Chẳng hạn làm thơ, anh cần phải có cái thứ tôi gọi là esprit poétique trong người anh”.

Sau đây là một số trích đoạn trong Đống Rác, Lớp Gió (2 truyện ngắn) và Em Đã Nghe Gì Trong Bài Thơ Hôm Nay, Khung Cửa-Dòng Sông (2 bài thơ) của Duy Thanh:
“Khung vải đặt lên giá, tối ném bừa bãi những hình thể, những màu sắc lên tàn nhẫn. Vẽ để cho vợi một cái gì đương hun bốc trong người. Chiều nắng toả bát ngát lên mặt hoạ phẩm, đan trên sàn gỗ từng phiến màu lồng lộng. Ngón tay xương xẩu của tôi quắp lấy thanh bút, nguêu ngoao, lơ láo như một con nhện rừng. Không phải tôi vẽ như mọi lần nữa, mà chính là tôi đã chửi rủa tàn tệ bằng sắc màu. Vứt vào không gian cái khoái cảm, cái khinh khi tuyệt vời của mình là một điều hể hả biết mấy. Những thỏi sơn ộc ra từng đống quằn quại trên mặt vải.
Đứng trước cửa sổ nhìn xuống bãi cỏ hoang cạnh nhà, tôi muốn lăn vào đó. Lăn vào những mảnh vỏ chai, gạch ngói, rác rưởi, cỏ dại cho xây xát mình mẩy mới hả. Để cho thần xác cũng nhầy nhụa như cái tôi hiện tại. Trong một giây không đắn đo, tôi trút căm hờn vào khung vải đang vẽ. Tôi vồ và ném mạnh ra ngoài. Sắc màu man dại quay một đường vòng trong không gian rồi rơi xuống. Tự dung thấy nhẹ nhõm tôi nhớ đến người chiến sĩ kháng chiến Hung-gia-lợi nằm chết mục xác trên hè phố Budapest…” (truyện ngắn Đống Rác – Sáng Tạo số đặc biệt Mùa xuân năm 1957).“

“…Trong lá thư để lại cho Trinh, Ngạc viết những dòng này trước khi lên tàu xuống Hải Phòng: “Tao lại đi tìm một lối thoát nữa và tao biết chắc có ở lại cũng không tìm thấy một chân lý nào thêm hơn cả. Tao đã sống với Cộng sản mấy tháng trước khi họ tiếp thu Hà-nội. Học cũng đưa ra nhiều lý lẽ vững vàng lắm, để sống cho tương lai. Kể ra thì lắm khi lý lẽ họ cũng phải. Nhưng cứ suy xét tao lại thấy một cái gì rất sai lạc. Tao nghĩ rồi. Tao không muốn làm một viên gạch nung đều đặn như trăm ngàn viên gạch khác cùng được luyện trong một cái lò. Tao muốn trở nên một cái gì khác. Đấy cũng là một lý lẽ để tao đi. Dù chúng mày chửi tao cũng mặc…” (truyện ngắn Lớp Gió – Sáng Tạo bộ mới số 2, tháng 8/1960).
***
“Tiếng thở dài.
Và chiếu chăn của một đêm trần xô lệch
Và mạch máu côi đơn phập phồng ngách thịt.
Có ai nhớ gì tiếng nói hôm qua.
Có ai Anh và em hoạ chăng là những cánh thư dài
Kết bằng cỏ những sợi mai nằm chốn ấy.”
(Em Đã Nghe Gì Trong Bài Thơ Hôm Nay – Sáng Tạo số 9, tháng 6/1957)

“Dang dở là cuộc tình duyên những kinh thành nổi loạn – anh ngủ mê trên đỉnh kim tự tháp – hơi thở mặt trời – sa mạc kín bưng – từng biển cát quàn lên thân thể Không nhớ làm gì không nhớ làm gì vốc nước suối trong – vì sao đêm đã về thướt tha những vuốt xanh êmAnh uống những sợi kim xanh cho linh hồn đỏ lửa – cào cấu những vòng gai tâm can – đau một niềm đau của BudapestKẻ bộ hành nào đang đi – quằn quại dấu chân lạc đà – vời xa cát trắng Không còn hàng dừa xanh lưu ly bóng nước một đốm lửa hay một mảnh trăng vô tình không một giọt lệ nào vương trên má một vành xe lăn trên đường Nếu có đi về tận vô biên hãy đừng nhớ mang chi hành lý – thân thể nặng rồi vì không ai nhớ gì vô ích…”
(Khung Cửa – Giòng Sông – Sáng Tạo số 12, tháng 9/1957)

Hội Họa Duy Thanh:
Duy Thanh theo hội họa ở Hà Nội từ năm 1952 như ông đã kể: “Tôi theo học lớp hội họa đầu tiên với thầy Nguyễn Tiến Chung. Dáng người gầy cao, xương xẩu, ông này đã lưu lại ở tôi nhiều kỷ niệm tốt. Nhất là lề lối truyền thụ nghề nghiệp cũng không bị gò bó lắm vào khuôn khổ, nề nếp, vốn là truyền thống của các trường mỹ thuật. Tôi thụ giáo với ông đúng một năm rưỡi. Trong thời gian này tôi quen với chàng Ngọc Dũng, xưởng họa chúng tôi ở trên lầu trường tư thục Trí Tri, phố Hàng Quạt…” (trích trong tạp chí Văn số 93).

Duy Thanh bắt đầu chính thức triển lãm cá nhân ở Sài Gòn năm 1956, tại Phòng Triển Lãm Đô Thành ở góc đường Tự Do – Lê Lợi, và tại Pháp Văn Đồng Minh Hội, đường Gia Long (tên có từ trước 1975). Và sau đó, ông nhiều lần triển lãm cá nhân hoặc với nhiều họa sĩ khác của Miền Nam.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của tuần báo Bách Khoa, Duy Thanh đã từ chối mình là họa sĩ theo trường phái Dã Thú (Fauvisme), và còn khẳng định mình không theo trường phái nào, tuy nhiên, quan sát về hình thái nghệ thuật, tranh của Duy Thanh đã bộc lộ rất rõ tính cách của hội họa Dã Thú, màu: tươi, nóng; độ tương phản cực đoan; nét vẽ: đơn giản, mạnh mẽ; tinh thần: trực phát, sinh động. Đó chính là những đặc trưng cơ bản của hội họa Dã Thú. Điều này còn có thể thấy rõ hơn qua những phát ngôn, ý kiến của ông trong các bàn tròn thảo luận về thơ, về tiểu thuyết hay về hội hoạ trên tạp chí Sáng Tạo. Ông rất thường hay trích dẫn lời của các danh họa Dã Thú Phương Tây mà ông tâm đắc:
“Cõi đời này buồn và đáng chán quá nên tôi phải tạo ra một thế giới rực rỡ hơn bằng tác phẩm của tôi.” (Van Dongen)
– “Tôi dùng những màu xanh, đỏ, vàng, nguyên chất hòa hợp với nhau để khuấy động cái dục tính của con người, và tôi vẽ trước hết để tả nỗi xúc động mà tôi cảm thấy ở sự vật.” (Matisse)
– “Tôi dùng màu xanh, đỏ để chỉ sự say mê kinh khiếp của con người.” (Van Gogh)




Van Dongen, Ngón tay trên má nàng (1910)





Henri Matisse, Niềm vui cuộc sống (1905-06)

Mặt khác, trong truyện ngắn Đống Rác, Duy Thanh đã viết: “…Khung vải đặt lên giá, tôi ném bừa bãi những hình thể, những màu sắc lên tàn nhẫn. Vẽ chỉ để cho vơi một cái gì đang hun bốc trong người”. Có thể coi đây là một tự sự của chính ông, của một họa sĩ thuần về cảm xúc dữ dội, những rung động bốc lửa, những tâm trạng muốn vỡ tung, muốn bung phá… – những nét đặc trưng tính cách thường thấy ở những họa sĩ thuộc trường phái Dã Thú – một khuynh hướng sáng tạo chống lại tính cách dịu dàng, ngọt ngào cảm xúc của trường phái Ấn Tượng và là sự mở đầu cho thời Hậu Ấn Tượng (Post-Impressionisme).

Về kỹ thuật hội họa, Duy Thanh thừa nhận sự cần thiết có mức độ của kỹ thuật cho việc thực hiện tác phẩm: “Tất nhiên, vì lẽ dễ hiểu, mỗi họa sĩ cần có chút ít kỹ thuật mới mong sáng tác được”. Ông có thể sử dụng tốt nhiều loại chất liệu, từ vẽ màu nước, bột màu, vẽ ký họa đến sơn dầu. Tuy nhiên, với Duy Thanh, sơn dầu là một chất liệu thích hợp với cá tính của ông nhất vì nó mạnh như cảm xúc của ông, vì nó dễ hành động ngay tức thì khi ông cần ném nó lên khung vải, và vì nó có khả năng chịu đựng bền bỉ, không kêu than khi ông muốn dầy vò, chà xát nó đến đâu và chỉ có nó mới làm ông đạt tới tột đỉnh của khoái cảm sáng tạo. Sơn dầu là một chất liệu vô địch cả trong cảm xúc ( khi vẽ), biến hóa (kỹ thuật) và bền vững (thời gian).

Nhưng cuộc “nổi loạn” nào cũng phải có lúc dừng lại, phải kết thúc. Tự nó, hoặc bị một cuộc nổi loạn khác kết thúc giùm. Đó là sự mâu thuẫn đầy bản năng của tuổi trẻ và tuổi già. Trong nghệ thuật ai nổi loạn bằng Picasso? Thế mà vào những năm cuối đời, ông không vẽ tranh Lập Thể để quay về với hội họa Hữu Hình (Figurative) đầy dục tính.

Ở gần chúng ta hơn, trong văn chương, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên, hai nhà thơ tự do một thời khuấy đảo làm nổ tung nền thơ mới Việt Nam bằng thơ Tự Do, sau khi đi tù “cải tạo” nhiều năm về đã bỏ thơ Tự Do. Thanh Tâm Tuyền quay về với thơ vần để trở lại với chính mình, trở về với con người mình vừa đi qua một chặng đường dài đầy bất hạnh. Tô Thùy Yên cho xuất bản tập thơ Thắp Tạ ở Mỹ với một giọng thơ rất kinh điển, trầm tư như một “Tỳ Bà Hành”. Duy Thanh cũng không ra khỏi ngoại lệ, ở những năm cuối đời ông vẽ rất khác, với những tranh vô ngôn, vô sắc, vô hình, bằng mực trên giấy, cho thấy một thể trạng tinh thần khác, hoàn toàn khác với một Duy Thanh thời trẻ tuổi luôn hừng hực dấn thân, nồng nhiệt phiêu lưu vào thế giới sáng tạo, khám phá ngôn ngữ mới. Bây giờ, ông dùng hội họa như một cuộc mạn đàm với hư vô, để trở về cái nguồn cội con người của ông.


Kết:
Với gần 60 năm vẽ-viết trên tinh thần khai phóng, vận động không mệt mỏi cho một phát triển canh tân văn học và nghệ thuật Việt Nam, Duy Thanh là một họa sĩ hiếm có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong tất cả những công việc ấy luôn nhất quán và chín muồi một tư duy rộng và một trái tim đầy chân tình của ông dành cho hội họa.

Những thông điệp kêu gọi làm mới ngôn ngữ nghệ thuật và hướng về nội tâm con người mà ông đã gửi tới chúng ta đã từ rất sớm, mà cho đến nay cái ý niệm ấy vẫn không hề lạc hậu. Cái quy trình của lật đổ và phục hưng trong đời sống sáng tạo của nhà văn-nghệ sĩ ấy vẫn đang được các thế hệ làm nghệ thuật ngày nay tiếp tục nối dài thêm con đường vinh quang của nó.

Viết tại Arcadia-California, 6/8/2013.Trịnh Cung











Tranh Duy Thanh





tranh Duy Thanh






































































































Duy Thanh & Trịnh Cung










Kiều Chinh & Duy Thanh





















Trịnh Cung ký họa











trái: Duy Thanh, Trần Lê Nguyễn, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng











Phan Nguyên & Duy Thanh
San Francisco 2017


















Trở về





Chân Dung Văn Nghệ Sĩ 
Danh Sách Tác Giả

Emprunt Empreinte



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.